Nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng trên dòng suối Tài
Nhiều diện tích hoa màu của người dân tổ 8, Phường Chùa Hang, T.P Thái Nguyên bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bị ngập úng

Thời gian qua, nhiều diện tích canh tác của người dân ở tổ 8, phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mưa lớn, nước dồn ứ nhiều ngày không thoát được. Gia đình bà Lê Thị Toan là 1 trong số hộ bị ảnh hưởng nhiều nhất, hoa màu bị ngập úng và có khả năng mất trắng.

Bà Lê Thị Toan, tổ 8, phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên phản ánh: “Trông vào nông nghiệp mà ngập như này thì mệt. Táo thì đang đỏ rễ rồi. Bên kia đất đùn lên, không thoát nước nên sắp chết hết, cả mít, cả ổi. Mọi năm mưa, lượng nước gấp 3 lần như này nhưng đều thoát hết. Năm nay, tháng vừa rồi có trận mưa mà chưa thoát hết nước lần nào”.

Trước tình trạng ngập úng cục bộ diễn ra trên diện rộng, để chủ động khắc phục tạm thời giảm bớt thiệt hại, bà con nông dân tổ 8 đã tiến hành khơi thông dòng chảy, be bờ tát nước để tránh việc ngập sâu kéo dài có thể dẫn đến tình trạng thối rễ, rụng quả ở vườn táo, ổi và giảm năng suất trên các diện tích trồng ngô. Tuy nhiên, dù bỏ rất nhiều công sức, vất vả nhưng đều không mang lại hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Thái, tổ 8, phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên cho biết: “Biện pháp của chúng tôi là chỉ biết lấy cuốc, xẻng khơi hết nước cho nó ra mà không xuể. Cây cối giờ vàng lá hết rồi. Mít, ổi chết hết. Tào thì vàng hết lá. Mưa thế này bên Danko cứ đắp chặn nên bồi đất lấp hết các nguồn thoát nên ngập úng”.

Qua tìm hiểu, tại phía cuối nguồn của dòng suối, dự án Khu đô thị Danko đang xây dựng hệ thống cống hộp chặn dòng nước của dòng suối chảy ra Sông Sông Cầu. Mặc dù tại điểm đấu nối đơn vị này để một cửa cống để thoát nước của dòng suối, song theo quan sát của phóng viên, miệng cống nhỏ hơn rất nhiều so với diện tích dòng chảy tự nhiên của suối, bên cạnh đó việc xây thành cống cao hơn so với mực nước dòng suối khiến cho nước không thể thoát được.

Ông Liểu Mai Cương, Phó Chủ tịch UBND phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên nhận định: “Dự án Danko san lấp mặt bằng gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động tiêu, thoát nước đối với nhiều khu vực, trong đó có khu vực của phường Chùa Hang và giáp ranh xã Hóa Thượng. Cánh đồng của xã Hóa Thượng của người dân thì việc trồng, cấy có bị ảnh hưởng do úng lụt. Chúng tôi đã cho cán bộ đi kiểm tra và có sẽ gặp gỡ trực tiếp với bên Danko, phòng Tài Nguyên Môi trường của thành phố để sớm giải quyết vấn đề này”.

Cũng theo người dân địa phương, ngoài nguyên nhân chính là dòng chảy thoát lũ ra sông Cầu bị chặn lấp do việc triển khai thi công dự án Khu đô thị Danko thì một nguyên nhân khác nữa là dòng suối Tài chảy qua địa bàn phường Chùa Hang và xã cao Ngạn thành phố Thái Nguyên nhiều đoạn bị thu hẹp đáng kể. Nguyên nhân do tồn tại nhiều công trình lấn chiếm hàng lang thoát lũ, thậm chí có những đoạn suối đã bị đổ mặt bê tông, xây dựng công trình dân dụng che lấp hoàn toàn mặt suối. Đây đều là những công trình đã xây dựng và tồn tại từ nhiều năm nay trước sự quản lý lỏng lẻo, thiếu quyết liệt của chính quyền sở tại. Việc làm này không những ảnh hưởng đến vấn đề thoát nước của dòng suối mà còn gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị

Nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng trên dòng suối Tài
Dự án Khu đô thị Danko xây dựng hệ thống cống hộp, chặn dòng nước suối Tài chảy ra Sông Sông Cầu là 1 trong những nguyên nhân gây ngập úng

Ông Đào Phúc Ngàn, phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên tiếp tục phản ánh: “Nguyên nhân ách tắc dòng chảy còn do một số hộ gia đình xây nhà trái phép trên mương. Mặc dù đã có ý kiên lên chính quyền địa phương mà chưa giải quyết. Cùng với đó là chỗ dự án Danko lấp và xây cống và chặn ngang dòng chảy khiến nước về là không kịp tiêu thoát, làm chết hết hoa màu”.

Ông Liểu Mai Cương, Phó Chủ tịch UBND Phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên cho rằng: “Dòng suối Tài từ những năm 90 thì rất rộng. Có một công trình của hộ dân đã được xây dựng trên đó cũng làm ảnh hưởng đến dòng chảy. Đến nay, công trình đó đã tồn tại hơn 20 năm, còn lại từ đó đến nay, các hộ dân khác cũng cơi nới, lấn chiếm dòng chảy và còn được cấp giấy phép từ trước, rất khó xử lý tình trạng này”.

Người dân mong muốn, các cấp chính quyền cần nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả trước mắt để giảm bớt thiệt hại về sản xuất và đời sống cho bàn con.

Tuy nhiên, về lâu dài, UBND huyện Đồng Hỷ, UBND TP Thái Nguyên và doanh nghiệp cần sớm có giải pháp hiệu quả, khơi thông dòng chảy, xử lý dứt điểm các công trình vi phạm hành lang thoát lũ, xây dựng trái quy định, chung tay giải quyết những tồn tại nêu trên, giúp nhân dân yên tâm sản xuất, bảo đảm đời sống lâu dài của bà con.