Nhân rộng các mô hình trồng chè theo hướng hữu cơ
Hiện toàn tỉnh có trên 22.300ha trồng chè và là tỉnh có diện tích chè phát triển lớn nhất cả nước với năng suất chè búp tươi đạt gần 120 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi hơn 250.000 tấn/năm. |
Nhận thấy những lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, Thái Nguyên đã sớm quy hoạch vùng trồng chè và xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp để đưa cây chè thành mũi nhọn kinh tế nông nghiệp, tạo nguồn thu nhập cao và bền vững cho người dân. Hiện toàn tỉnh có trên 22.300ha trồng chè và là tỉnh có diện tích chè phát triển lớn nhất cả nước với năng suất chè búp tươi đạt gần 120 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi hơn 250.000 tấn/năm.
Với mục tiêu hàng đầu là “sản phẩm sạch, an toàn”, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác đã sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, nói không với thuốc diệt cỏ và thuốc kích thích tăng trưởng. Việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ bảo vệ sức khỏe người trồng chè, sản xuất, chế biến và tiêu dùng cũng như môi trường sống; đồng thời, nâng cao thu nhập, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững.
Ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Hợp tác xã Tân Hoàng Trà, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ cho hay: "Từ khi áp dụng mô hình chè hữu cơ, người dân đã thực hiện rất tốt; đến nay giá trị sản phẩm trà của chúng tôi đã được khách hàng trong nước tiếp nhận. Đây là mô hình đảm bảo được chất lượng cho người tiêu dùng".
Ông Đỗ Văn Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần BIOPHARM Việt Nam cho biết: "Công ty Cổ phần BIOPHARM chuyên cung cấp giải pháp về sản xuất nông sản an toàn, trong đó có sản phẩm trà. Đối với Thái Nguyên chúng tôi mong muốn diện tích chè được nhân rộng; có những sản phẩm trà xuất khẩu ra nước ngoài. Chúng tôi sẽ kết nối đến các HTX, doanh nghiệp sản xuất chè tại Thái Nguyên có sản phẩm đạt tiêu chí an toàn, tiến tới hữu cơ để xuất khẩu ra nước ngoài".
Tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025, diện tích chè đạt 23.000ha, 80% diện tích chè sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. |
Tuy nhiên, bất cập của ngành chè Thái Nguyên thời điểm trước năm 2020 là diện tích chè theo tiêu chuẩn VietGAP, chè hữu cơ rất ít. Trong bối cảnh xác định sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu, năm 2020, tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt phương án sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, theo đó tổ chức triển khai thực hiện mô hình sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11041-2:2017 với quy mô 60ha tại các vùng trọng điểm chè của tỉnh là: TP. Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ, huyện Phú Lương và huyện Đại Từ.
Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội chè tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Để chuyển đổi sản xuất chè hữu cơ đã là một quá trình khó khăn nhưng để duy trì được những diện tích chè hữu cơ này phải có thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ cho bà con nông dân thì mới bền vững. Xuất phát từ nhu cầu đó, Hội chè tỉnh Thái Nguyên đã triển khai mô hình gắn kết giữa sản xuất chè hữu cơ với liên kết tiêu thụ sản phẩm".
Tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025, diện tích chè đạt 23.000ha, 80% diện tích chè sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Đến năm 2030, diện tích chè đạt 24.000ha, 100% diện tích chè sản xuất tập trung được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. 100% các sản phẩm chè do các doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã với nông hộ sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, có thương hiệu riêng.
Song song với việc hướng người dân sang sản xuất chè an toàn, các cấp, ngành của tỉnh Thái Nguyên, trong đó, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Hội Chè tỉnh Thái Nguyên cũng có nhiều biện pháp tích cực để xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chè VietGAP, hữu cơ. Từ đó, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và thu nhập của người sản xuất tăng từ 10% trở lên. Đồng thời, nhân rộng sản xuất hữu cơ giúp người dân có một phương thức sản xuất nông nghiệp mới thân thiện với tự nhiên và môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng./.