Nhà nước Vạn Xuân trong lịch sử dân tộc Việt Nam
Chùa Hương Ấp tại phường Tiên Phong, TP Phổ Yên, Thái Nguyên, nơi gắn liền với tên tuổi Đức vua Lý Nam Đế. |
Theo “Việt Thường thị Tiền Lý Nam Đế ngọc phả cổ truyền", khi vua mới 7 tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, vua cùng người anh phải sống nhờ nhà người chú. Khi này có nhà sư hiệu Pháp Tổ Thiền sư trụ trì tại chùa trong ấp, tương truyền là chùa Hương Ấp tại thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, TP Phổ Yên ngày nay. Thấy vua diện mạo khác thường, có khí chất lẫm liệt nên đã đón vào chùa Hương Ấp làm chú tiểu. Khi vua đã 13 tuổi, Pháp tổ Thiền sư đến trụ trì tại một ngôi chùa nhỏ ở Thôn Giang Xá, xã Lưu Xá, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây nay là Thị trấn Trôi, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội. Nhà sư đã đón Lý Bí về để nuôi dạy và cho thụ giới nhập học. Ông tinh thông võ nghệ lại giỏi văn chương, tính rất hiếu hữu, nên kết giao với bạn bè rất đông. Bấy giờ, trẻ trong làng Giang Xá thường theo ông đến chùa tu học đạo thiền. Đây chính là cơ sở để khi 25 tuổi, Lý Bí đã tuyển hơn 3 nghìn nghĩa sĩ tại khu vực này. Đồng thời cũng là địa điểm ghi lại dấu tích của việc chiêu tập quân sĩ, nơi đóng đại bản doanh để chống lại quân Lương xâm lược. Sau khi lực lượng đủ mạnh, ngày 4 tháng 2 (tức ngày 10 tháng 3 âm lịch), Vua hợp binh tại chùa Giang Xá kéo về Long Biên đánh đuổi quân Lương. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: "Mùa xuân, tháng Giêng năm Giáp Tý (544), Vua nhân thắng giặc, tự xưng là Nam Việt Đế, lên ngôi đặt niên hiệu (là Thiên Đức năm thứ 1), lập trăm quan, dựng Quốc hiệu là Vạn Xuân, ý mong cho xã tắc truyền đến muôn đời”. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Lý Bí là người Việt Nam đầu tiên tự xưng Hoàng đế.
PGS. Tiến sĩ Nguyễn Minh Tường cho biết: "Trước Lý Nam Đế thì Hai Bà Trưng đã xưng vương rồi, thế nhưng việc xưng vương của Hai Bà Trưng lúc đó chưa có một triều đình cụ thể, đến thời Lý Nam Đế thì cơ cấu triều đình đã có đủ hai ban văn võ, cho nên nếu nói một cách khách quan và cụ thể thì phải đến thời kỳ Lý Nam Đế thì mới được coi là một vương triều hoàn chỉnh".
Cố GS sử học Phan Huy Lê nhấn mạnh: "Theo tôi, đây được coi là một thời kỳ đỉnh cao của lịch sử dân tộc, tôi muốn dùng từ "đỉnh cao" để tôn vinh, ngợi ca khí phách của Lý Bí. Thời Bắc thuộc là cả một thời kỳ đau thương, nhưng chính trong thời kỳ đau thương đó, tất cả những gì tốt đẹp nhất của dân tộc được thử thách, đúc rút và tạo thành hai điều, theo tôi là vô giá, là cơ sở trường tồn cho đất nước tận đến bây giờ, đó chính là tinh thần yêu nước được nâng lên thành một ý thức độc lập, tự chủ rất cao và thứ hai là tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Do đó, tinh thần yêu nước và sức mạnh đoàn kết gắn liền với cả nền văn hóa dân tộc, đấy chính là cơ sở trường tồn của đất nước cho đến ngày nay".
Gần 15 thế kỷ đã đi qua, Đền Mục là nơi thờ Lý Nam Đế làm Thành hoàng làng và chùa Hương Ấp mà tuổi thơ Ngài đã nương nhờ, tu tập cũng đã đổi thay nhiều, nhưng những dấu tích và ký ức về đức Vua luôn luôn in đậm trong tâm trí của người dân Cổ Pháp. Các thế hệ người dân Tiên Phong vẫn luôn gìn giữ nhiều lễ hội tưởng nhớ công ơn của Ngài. Ngày 12 tháng Giêng hằng năm, nhân dân địa phương đều tổ chức các hoạt động dâng lễ, mở hội tại đền và chùa để tưởng nhớ ngày lên ngôi của đức Vua và kỷ niệm ngày thành lập nước Vạn Xuân. Ngoài ra còn có ngày 10 tháng 3, tương truyền là ngày khởi binh, ngày 2 tháng 5 là ngày giỗ Đức vua và ngày 12 tháng 9 là ngày sinh nhật Vua…
Đền Mục là nơi thờ Lý Nam Đế làm Thành hoàng làng đang được xây dựng khang trang, đáp ứng niềm mong mỏi của nhân dân địa phương |
Ông Nguyễn Văn Giáp, Bí thư Đảng ủy phường Tiên Phong, TP Phổ Yên, Thái Nguyên khẳng định: "Lễ hội được duy trì ở các thôn, làng và đón rất nhiều du khách thập phương đến dự lễ hội, từ đó giáo dục truyền thống, lòng yêu quê hương, đất nước".
Trong tâm thức người Việt Nam, việc Lý Nam Đế lập nên Nhà nước Vạn Xuân được coi là biểu tượng khơi nguồn và tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trong suốt những chặng đường lịch sử của mình. Do đó, tín ngưỡng thờ cúng đức Vua đã trở thành loại hình văn hóa tôn giáo đặc sắc trong đời sống văn hóa tinh thần của các thế hệ người dân Việt Nam.
Ông Nguyễn Hữu Trinh, phường Tiên Phong, TP Phổ Yên, Thái Nguyên cho biết: "Ở Tiên Phong có một nét riêng là lễ vật thờ cúng Lý Nam Đế là cơm hòm, chè Lam, bánh giày, đó chính là những lương thực chính của cuộc khởi nghĩa Lý Nam Đế".
Mặc dù nhà nước Vạn Xuân tồn tại lại không được bao lâu trong lịch sử, nhưng đó là sự khẳng định dứt khoát rằng: Nòi giống Việt Nam là một thực thể độc lập, là chủ nhân của đất nước và nhất quyết giành quyền làm chủ vận mệnh của mình. Tinh thần và khí phách ấy mãi mãi được thế hệ sau tiếp nối, dù có phải hy sinh tất cả cũng phải giữ cho được nền độc lập - tự chủ./.