Người vay tiêu dùng cần rất thận trọng với lãi suất
Ước tính thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam lên đến 15 tỷ USD/năm và có nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên cần có hành lang pháp lý chặt chẽ để thị trường cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhận định này được đưa ra tại Tọa đàm Thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam do Viện Quản trị kinh doanh – Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 25/4 tại Hà Nội.
Thị trường cho vay tiêu dùng trong những năm gần đây phát triển mạnh với sự tham gia của nhiều hơn các nhà cung cấp dịch vụ và nhu cầu vay tiêu dùng cũng tăng cao. Ước tính thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam lên đến 15 tỷ USD/năm và chủ yếu đến từ thị trường mục tiêu với khoảng 30 triệu người trong khoảng 29-50 tuổi. Tuy nhiên thị trường cho vay tiêu dùng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Thị trường tài chính tiêu dùng luôn sôi động ở nhóm khách hàng vay mua điện thoại, xe máy, máy tính trả góp. (Ảnh minh họa: KT) |
Theo TS. Hoàng Văn Hải, Viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh, tỷ lệ cho vay tiêu dùng chỉ chiếm 5-10% trên tổng dư nợ tín dụng. Tỷ lệ này ở các nước phát triển khoảng 40-50%. Trong khi đó, tín dụng ngầm vẫn tồn tại và thu hút nhiều người dân tham gia.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Quản trị kinh doanh, thị trường tài chính tiêu dùng hiện có sự tham gia chủ yếu của 3 nhóm gồm ngân hàng thương mại chiếm 87%, công ty tài chính 12%, các công ty Fintech (công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính) mới chiếm 1%. Còn lại là các cơ quan, tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính thức chiếm tỷ lệ không nhỏ.
TS. Nguyễn Thùy Dung, Viện quản trị kinh doanh nhận định, những năm gần đây, ngày càng có nhiều người tiếp cận vay tiêu dùng tại các công ty tài chính, thay vì đến các ngân hàng thương mại.
“Các công ty tài chính hoạt động tích cực nên thu hút được nhiều khách hàng với các khoản cho vay linh hoạt từ 1-60 triệu đồng. Do có thời gian giải ngân nhanh, với lãi suất phù hợp từ 1,49% - 1,6%/tháng thậm chí 0%, thị trường tài chính tiêu dùng luôn sôi động ở nhóm khách hàng vay mua điện thoại, xe máy, máy tính trả góp với các khoản giải ngân dưới 40 triệu đồng”, TS. Nguyễn Thùy Dung cho biết.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, người vay cần thận trọng với lãi suất cho vay tiêu dùng, vì trên thực tế, ít người biết được lãi suất khoản vay của mình như thế nào. Nhất là khi làm hợp đồng, nhân viên giao dịch chủ yếu tư vấn lãi suất theo tháng, nhưng thực tế, tổng hợp lại mức lãi suất của cả năm cộng với các chi phí phát sinh thêm, khiến người vay phải trả lãi cao ngất ngưởng.
Các chuyên gia nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, kết nối người cho vay và người đi vay theo công nghệ mới, không cần đến các điểm giao dịch. Cho vay ở các công ty tài chính và các công ty Fintech sẽ bùng nổ mạnh mẽ.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Trưởng phòng pháp chế Công ty tài chính, Ngân hàng Quân đội, thị trường tài chính Việt Nam hiện là mảnh đất màu mỡ, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Gần đây, các nhà đầu tư Nhật Bản, Mỹ, Australi… đang đổ nhiều vốn, thậm chí có nhà đầu tư rót 49% vốn vào các công ty tài chính Việt Nam.
“Tài chính tiêu dùng ở Việt Nam chưa có hành lang pháp lý rõ ràng nên các nhà đầu tư nước ngoài thấy đây là mảnh đất màu mỡ. Họ có thể đầu tư một cách ngắn hạn, có thể chỉ cần hoạt động 20 năm, sau khi thu thập kinh nghiệm về thị trường, văn hóa tiêu dùng ở Việt Nam thì họ có thể lập công ty 100% vốn nước ngoài”, ông Anh Tuấn nhận định.
Một số ý kiến tại hội thảo cũng đề xuất, cần có hành lang pháp lý rõ ràng đối với các công ty tài chính, nhất là quy định liên quan đến hệ thống mạng lưới. Theo quy định, các điểm giới thiệu công ty tài chính phải gắn với nơi cung cấp sản phẩm dịch vụ, phù hợp với mua bán trả góp các sản phẩm, còn với dịch vụ cho vay tiền mặt sẽ là khó với công ty tài chính mới.
Trong khi các công ty tài chính mới thành lập nếu chưa đáp ứng về mạng lưới, vô hình chung có thể có những hệ thống hoạt động chui, khó kiểm soát được./.