Vay tiêu dùng: Tư vấn nói lãi suất chỉ 2%/tháng, nhưng hợp đồng ghi 6%
Thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam đang phát triển rất “nóng”, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn này với thủ tục đơn giản, gọn nhẹ.
Lãi suất đưa ra cho một gói vay cũng rất hấp dẫn, chỉ từ 2-3%/tháng. Song, nhiều người sau khi trả số tiền vay tiêu dùng đã ngã ngửa khi biết rằng lãi suất thực tế họ phải trả lên tới hơn 6% thậm chí 10%/tháng. Khi phát hiện ra thì đã quá muộn. Với khoản lãi “cắt cổ” trên, chỉ sau 1 năm, số tiền lãi phải trả cho công ty tài chính đã bằng gần nửa số tiền gốc khách hàng đã vay.
Người vay cần cẩn trọng để tránh rơi vào "bẫy" cho vay tiêu dùng. (Ảnh minh họa: KT) |
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dư địa tăng trưởng của thị trường tài chính tiêu dùng vẫn rất lạc quan với mức tăng trưởng 25% - 30%/năm trong những năm sắp tới. Tuy nhiên, các hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng đang có xu hướng tăng cả về quy mô và mức độ phức tạp có khả năng gây ảnh hưởng, thậm chí là nghiêm trọng tới quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo khiếu nại của các khách hàng, số lượng khiếu nại liên quan đến dịch vụ cho vay tiêu dùng chủ yếu tập trung vào nhóm chủ thể là công ty tài chính. Nhân viên tư vấn của các công ty tài chính thường cung cấp không đầy đủ thông tin hoặc thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn. Ví dụ, khi tư vấn, nhân viên cam kết mức lãi suất chỉ từ 1-2%/tháng. Thực tế, mức lãi suất thể hiện trên hợp đồng là 6%/tháng.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law cho biết, hiện nay, chủ thể cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng có hai nhóm chính, là các ngân hàng và các công ty tài chính. Thủ tục vay vốn qua công ty tài chính đơn giản, nhanh chóng, chỉ cần có chứng minh thư, sổ hộ khẩu là có thể được xem xét cho vay. Còn vay tiêu dùng tại các ngân hàng thương mại thì đòi hỏi nhiều thủ tục hơn như, phải chứng minh được khả năng trả nợ, các khoản vay lớn phải có tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, các công ty tài chính cho vay tiêu dùng không nhất thiết phải có tài sản thế chấp.
Tuy nhiên, lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính thường cao hơn so với lãi suất cho vay tiêu dùng của các ngân hàng thương mại. Cụ thể, đối với mức lãi suất mua hàng trả góp, trong khi các ngân hàng thương mại có mức lãi suất trung bình dao động từ 10-25%/năm thì mức lãi suất của công ty tài chính từ 55% đến trên 84%/năm.
Việc lãi suất tiêu dùng cao tại các công ty tài chính, một phần do ảnh hưởng từ xu thế chung khi lãi suất huy động tăng nhẹ trong thời gian qua. Hơn nữa, nguyên nhân do chi phí đầu vào của nguồn vốn cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thường cao hơn so với chi phí huy động vốn của ngân hàng thương mại do công ty tài chính không được phép huy động vốn từ dân cư, cũng không tận dụng được lợi thế mạng lưới như ngân hàng thương mại.
Nếu cho vay tín dụng lãi suất vượt quá 20% lãi suất cơ bản là bất hợp pháp nhưng các công ty tài chính đưa ra lãi suất cao hơn nhiều lần vẫn không bị ràng buộc bởi luật pháp.
Mặc dù vẫn xảy ra một số vụ tranh chấp khiếu kiện, song theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, không thể phủ nhận được lợi ích mà các công ty tài chính đem lại cho người dân như, tiếp cận được nguồn vốn nhanh, hợp pháp và đặc biệt góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường tín dụng, đẩy lùi tín dụng đen. Song để khai thác tốt thị trường cho vay tiêu dùng, tăng sự tín nhiệm của người dân thì sự minh bạch chính là biện pháp tốt nhất.
Trước hàng loạt các vụ khiếu nại của người vay tiêu dùng trong thời gian vừa qua, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm có hướng dẫn cụ thể quy định về lãi suất cho vay tiêu dùng. Người tiêu dùng cần tìm hiểu rõ các nội dung thông tin cơ bản của hợp đồng vay như: mức lãi suất, thời gian vay, quy định về trả nợ trước hạn, mức phạt trả chậm, chỉ ký hợp đồng sau khi nắm rõ các thông tin thể hiện trên hợp đồng.
“Phía người dân khi muốn vay vốn cần phải xác định mình có khả năng chi trả hay không. Đặc biệt, cần hiểu rõ hợp đồng cho vay tiêu dùng, nếu không biết nên yêu cầu nhân viên tư vấn rõ ràng, tuyệt đối không được ký hợp đồng khi chưa hiểu. Về phía các công ty tài chính, cần xây dựng được nguồn quỹ lớn, tư vấn rõ ràng cho người dân tránh những thông tin chưa rõ dẫn đến xảy ra khiếu kiện”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khuyến cáo./.