Nghiên cứu mới cho thấy bức xạ từ ĐTDĐ không nguy hiểm cho con người
Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Quốc gia (NIH) Mỹ đã tiến hành thử nghiệm tác động của bức xạ từ điện thoại di động lên chuột và tìm thấy một số tác động nhất định. Những con chuột được sử dụng để nghiên cứu được đặt trong môi trường bức xạ điện thoại ở mức độ cao trong 9 tiếng mỗi ngày, liên tục trong 2 năm. Mức bức xạ này cao hơn rất nhiều so với mức bức xạ điện thoại chúng ta sử dụng hàng ngày.
Nghiên cứu mới cho thấy bức xạ từ điện thoại di động không nguy hiểm như nhiều người vẫn nghĩ |
Kết quả nghiên cứu cho thấy sóng điện thoại có tác động nhỏ đến khối u bất thường ở tim của chuột đực, nhưng không có tác động gì đến chuột cái. Các nhà khoa học cũng không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy bức xạ điện thoại di động gây nên khối u về não.
Các nhà khoa học cũng đã khẳng định rằng không có lý do gì để con người lo ngại về việc xuất hiện những khối u não sau một thời gian dài sử dụng điện thoại di động.
Theo tiến sĩ John Bucher thuộc NIH, trưởng nhóm nghiên cứu, thì ông sẽ không thay đổi thói quen sử dụng điện thoại của mình hay khuyên người thân trong gia đình thay đổi thói quen đó. Còn theo tiến sĩ Ortis Brawley, Giám đốc y tế của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, thành viên của nhóm nghiên cứu thì ông không ngại ngần đặt điện thoại ở gần đầu của mình bất cứ lúc nào.
“Những chứng cứ cho thấy mối liên quan giữa điện thoại di động và ung thư là rất thấp và cho đến nay chúng tôi vẫn chưa thấy nguy cơ ung thư cao hơn ở người sử dụng điện thoại di động”, tiến sĩ Ortis Brawley cho biết. “Tôi vẫn sẽ đưa điện thoại di động lên tai của mình khi sử dụng như bình thường”.
Được biết Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã đầu từ 25 triệu USD cho nghiên cứu của NIH, nhằm đảm bảo rằng điện thoại di động là an toàn cho con người.
“Các giới hạn an toàn hiện tại đối với điện thoại di động là có thể chấp nhận được đối với sức khỏe cộng đồng”, chuyên gia về sức khỏe bức xạ của FDA, Jeffey Shuren, cho biết sau khi kết quả nghiên cứu được công bố.
Trước đây nhiều người đã lo ngại về việc điện thoại di động có thể gây nên ung thư, đặc biệt là ung thư não, vì bức xạ từ điện thoại có thể tác động trực tiếp tới não bộ của con người khi họ đặt điện thoại lên tai để nghe. Trên thực tế điện thoại di động có phát ra bức xạ, nhưng mức bức xạ này có năng lượng thấp hơn nhiều so với các loại bức xạ khác, chẳng hạn như tia X-quang. Bức xạ ion hóa trên tia X-quang có thể làm tổn thưởng đến DNA và có nguy cơ dẫn đến ung thư, nhưng bức xạ từ điện thoại di động lại không hoạt động theo cách đó nên nguy cơ ung thư là hầu như không có.
Nghiên cứu mới công bố của NIH sẽ giúp người dùng cảm thấy an tâm hơn khi sử dụng chiếc điện thoại di động của mình.