Nghề làm nón Tày ở Định Hóa
Người Tày quan niệm, chiếc nón là vật để trao duyên của người con gái với người con trai |
“Để làm được một chiếc nón phải mất từ 3 đến 5 ngày. Các công đoạn như chọn lá, tạo khuôn, đan nón đều phải đúng tiêu chuẩn mới có được một chiếc nón đẹp. Lá cọ được chọn để làm nón phải là lá bánh tẻ. Lá càng trắng làm nón càng đẹp. Mỗi chiếc nón gồm hai phần, phần ngoài được xếp theo hình chóp từ 2 - 3 tàu lá cọ đã được phơi khô, phần bên trong là những sợi lạt tre nhỏ được đan cầu kỳ thành các mắt hình lục giác đều. Sau đó, hai phần được ép chặt vào nhau bằng những vòng guột, hoặc tre màu sậm và buộc chặt bằng lạt giang. Công phu như vậy nên chiếc nón Tày rất bền" - Bà Luân Thị Khánh, xã Quy Kỳ, Định Hóa chia sẻ về kỹ thuật làm nón.
Bà Luân Thị Khánh, xã Quy Kỳ, Định Hóa chia sẻ về kỹ thuật làm nón |
Bà Hoàng Thị Tiến, xã Quy Kỳ, Định Hóa cho biết: “Người Tày quan niệm, chiếc nón là vật để trao duyên của người con gái với người con trai. Bên cạnh đó, chiếc nón còn thể hiện sự khéo léo, duyên dáng của cô gái Tày. Cũng chính bởi những ý nghĩa đó mà việc làm nón đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Tôi được mẹ tôi dạy làm nón Tày này từ năm 16 tuổi, năm nay tôi đã 76 tuổi rồi, chúng tôi mong muốn thế hệ trẻ sau này cũng tiếp nối truyền thống, biết làm những chiếc nón của dân tộc mình”.
Bà Hoàng Thị Tiến, xã Quy Kỳ, Định Hóa đã 60 năm làm nón Tày |
Theo ông Luân Đức Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa: "Thế hệ sau nếu không được học sẽ quên mất. Tôi rất mong muốn các cấp các ngành quan tâm để nghề đan nón Tày được truyền lại, để giữ gìn bản sắc dân tộc".
Giữa những thay đổi của cuộc sống, những người như bà Khánh, bà Tiến vẫn cần mẫn giữ cho chiếc nón truyền thống của đồng bào vẹn nguyên giá trị. Mong rằng, tâm huyết ấy sẽ sớm được thế hệ trẻ kế thừa, để từ đó không chỉ nón lá của người Tày mà nhiều nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc sẽ được tồn tại và phát triển./.