Ngập úng kéo dài tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống của người dân - đã ps HTTH 8.6
Tình trạng ngập úng cục bộ kéo dài trên cánh đồng Hưng Thái, xã Hóa Thượng

Một tháng đã trôi qua, kể từ sau cơn mưa đầu mùa xảy ra từ ngày 5/5, tình trạng ngập úng cục bộ kéo dài trên cánh đồng Hưng Thái, xã Hóa Thượng vẫn không thay đổi. Các loại cây hoa màu như: ngô, lạc, đỗ, ngay cả những cây trồng lâu năm cũng không cho thu hoạch, thậm chí bị thối rễ và chết, nước chẳng những không rút bớt mà còn tiếp tục ngập thêm do mấy ngày qua trời lại có mưa. Trước phản ánh của người dân, chính quyền xã Hóa Thượng đã cử cán bộ chuyên môn xuống kiểm tra thực tế và đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng này.

Ông Nguyễn Minh Huy, Chủ tịch UBND xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ cho hay: "Chúng tôi đã báo cáo với UBND huyện Đồng Hỷ về tình trạng ngập úng cục bộ, đề nghị UBND huyện báo cáo với UBND tỉnh cũng như có sự phối hợp với UBND thành phố Thái Nguyên để có hướng khắc phục. Đối với xã Hóa Thượng, chúng tôi đã cử cán bộ phối hợp với xóm để kê, kiểm đếm cụ thể từng diện tích, từng hộ ảnh hưởng để có hướng đề xuất UBND huyện. Chúng tôi cũng đã làm việc trực tiếp với UBND phường Chùa Hang để đề nghị UBND phường Chùa Hang có ý kiến với đơn vị dự án cũng như UBND thành phố Thái Nguyên để có hướng chỉ đạo với phường cũng như chỉ đạo đơn vị thi công làm sao đảm bảo việc thoát nước để giảm việc ngập úng khi trời mưa to".

Ngập úng kéo dài tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống của người dân - đã ps HTTH 8.6
Nhiều diện tích canh tác của người dân ở tổ 8, phường Chùa Hang, TP. Thái Nguyên bị ảnh hưởng do mưa lớn, nước dồn ứ từ đầu tháng 5 đến nay.

Không chỉ người dân xã Hóa Thượng bị thiệt hại do ngập úng cục bộ kéo dài mà thời gian qua, nhiều diện tích canh tác của người dân ở tổ 8, phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mưa lớn, nước dồn ứ từ đầu tháng 5 đến nay. Gia đình bà Lê Thị Toan, ở tổ 8, phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên là 1 trong số hộ bị ảnh hưởng nhiều nhất, hoa màu bị ngập úng và có khả năng mất trắng. Bà Lê Thị Toan chia sẻ: "Gia đình tôi trông vào nông nghiệp mà bây giờ bị ngập úng, cây táo bị đỏ rễ, nước chảy vào vườn bãi, chết cả mít, ổi. Mọi năm mưa lớn gấp 3 lần mới có nước ngập".

Trước tình trạng ngập úng cục bộ diễn ra trên diện rộng, để chủ động khắc phục tạm thời giảm bớt thiệt hại, bà con nông dân tổ 8 đã tiến hành khơi thông dòng chảy, be bờ tát nước để tránh việc ngập sâu kéo dài có thể dẫn đến tình trạng thối rễ, rụng quả ở vườn táo, ổi và giảm năng suất trên các diện tích trồng cây ngô. Tuy nhiên, dù bỏ rất nhiều công sức, vất vả nhưng đều không mang lại hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Thái, tổ 8, phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên cho biết: "Gia đình tôi đã lấy cuốc, xẻng khơi hết nước ra rãnh, mương, nhưng cây cối vàng hết, cây mít, táo ổi đều hỏng".

Ông Liểu Mai Cương, Phó Chủ tịch UBND phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên thông tin: "Dự án Danko san lấp mặt bằng có ảnh hưởng không tốt đến các hoạt động tiêu thoát nước đối với các khu vực, trong đó, có khu vực của phường Chùa Hang cũng như giáp ranh với xã Hóa Thượng. Các cánh đồng của xã Hóa Thượng cũng như một số hộ dân có hoạt động trồng cấy xung quanh hiện nay đang không tiêu thoát nước được, gây úng lụt và có ảnh hưởng đến hoa màu. Phường đã cử cán bộ kiểm tra thực tế và có ý kiến trực tiếp với Danko, chúng tôi đã có hướng là sẽ mời Phòng Tài nguyên và Môi trường của thành phố, phòng chuyên môn và đại diện của Tập đoàn Danko để sớm giải quyết tình trạng này".

Theo người dân địa phương, ngoài nguyên nhân chính là dòng chảy thoát lũ ra sông Cầu bị chặn lấp do việc triển khai thi công dự án Khu đô thị Danko thì một nguyên nhân khác nữa là dòng suối Tài chảy qua địa bàn phường Chùa Hang và xã Cao Ngạn, TP Thái Nguyên nhiều đoạn bị thu hẹp đáng kể do tồn tại nhiều công trình lấn chiếm hành lang thoát lũ, thậm chí có những đoạn suối đã bị đổ nắp bê tông, xây dựng công trình dân dụng che lấp toàn bộ mặt suối. Đây đều là những công trình đã xây dựng và tồn tại từ nhiều năm nay trước sự quản lý lỏng lẻo, thiếu quyết liệt của chính quyền sở tại.

Ông Đào Phúc Ngàn, phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên cho hay: "Nguyên nhân dẫn đến ách tắc như bây giờ là có một số hộ gia đình xây nhà trái phép trên dòng mương. Mặc dù, đã nhiều lần ý kiến lên chính quyền phường nhưng cũng chưa được giải quyết; họ xây xong làm cả trụ cả nhà lên trên dòng chảy dẫn đến ách tắc dòng chảy; kết hợp với Danko xây dựng cống chặn ngang, ảnh hưởng đến đường thoát nước của bà con Hóa Thượng, dẫn đến hoa màu chết hết".

Ông Liểu Mai Cương, Phó Chủ tịch UBND phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên cho biết thêm: "Những năm 1990 trở lại đây, suối Tài rất rộng, trải qua quá trình lịch sử, có 1 hộ dân đã xây dựng các công trình trên mạn suối nên cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy tự nhiên, công trình đấy đã tồn tại rất lâu, đến nay hơn 20 năm. Dòng chảy đã bị các hộ dân lấn chiếm xây dựng và đã được cấp bìa bằng hình thức nào đó, cũng rất khó xử lý trong việc này".

Người dân mong muốn, các cấp chính quyền cần nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả trước mắt để giảm bớt thiệt hại về sản xuất và đời sống cho bà con. Tuy nhiên, về lâu dài, UBND huyện Đồng Hỷ, UBND TP Thái Nguyên và doanh nghiệp cần sớm có giải pháp hiệu quả, khơi thông dòng chảy, xử lý dứt điểm các công trình vi phạm hành lang thoát lũ, xây dựng trái quy định, chung tay giải quyết những tồn tại nêu trên, giúp nhân dân yên tâm sản xuất, bảo đảm đời sống ổn định lâu dài của bà con./.