Ngàn người vỗ tay khâm phục phát biểu của nữ sinh 11 tuổi
Em Phan Lê Ánh Dương, học sinh lớp 6 Trường THCS Nguyễn An Khương, huyện Hóc Môn làm những người tham dự và cả lãnh đạo TPHCM bày tỏ sự ngưỡng mộ, cảm phục khi phát biểu trong buổi gặp gỡ lãnh đạo đầu năm.
Ánh Dương đề cập đến nội dung không nóng sốt, không nhiều người quan tâm nhưng lại làm làm nhức đầu không ít phụ huynh và cả các chuyên gia tâm lý, giáo dục lâu nay. Đó là vấn đề giáo dục đối với học sinh khuyết tật hoặc mắc những căn bệnh đặc biệt.
Em Phan Lê Ánh Dương, 11 tuổi, học lớp 6 Trường THCS Nguyễn An Khương, Hóc Môn tranh luận tại buổi gặp gỡ đầu năm với lãnh đạo TPHCM |
Em Dương nói rằng, hiện nay chúng ta đang khuyến khích học sinh mắc những căn bệnh đặc biệt như tự kỷ, kém phát triển nên học hòa nhập. Nhưng theo Dương, đừng cố gắng học học hòa nhập vì môi trường giáo dục ở trường bình thường đang gò bó, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, phát triển của các bạn.
Dương kể về trường hợp bạn học cũ cùng lớp với mình mắc căn bệnh tự kỷ tăng động. Bạn ấy không thể ngồi yên mà phải chạy nhảy luôn tay chân mới chịu. Khi ngồi trong lớp cũng quay ngang, quay dọc rồi nói chuyện.. và lúc nào cũng bị thầy cô la mắng. Giáo viên thì rất mệt mỏi mà bạn ấy... vẫn như vậy.
Thầy cô la mắng nhiều nhưng không biết liệu bạn ấy có hiểu, có biết việc mình la mắng hay không? “Con từng nói chuyện với giáo viên và trao đổi về việc này. Thầy cô nói rằng bố mẹ rất ít giao tiếp, nói chuyện với bạn học sinh này, ít hơn cả các thầy cô. Nhưng thầy cô không hiểu tâm lý, bệnh tình của học sinh và cũng không lắng nghe việc không nên tiếp tục la mắng bạn”, Dương chia sẻ.
Theo Dương, chính việc việc suốt ngày bị la mắng, càng ngày bạn này học càng kém, không qua được mức trung bình dù khi học tiểu học bạn học khá mà lý do Dương đưa ra “Thầy cô ở bậc tiểu học tâm lý, hiểu học sinh hơn”.
Em kể tiếp: “Chưa hết học kỳ một bạn đã phải chuyển trường. Giờ chúng con vẫn giữ liên lạc với nhau. Bạn ấy buồn bã tâm sự rằng tất cả vẫn như cũ, cũng không thay đổi gì.
Tâm lý bạn hiện giờ rất sợ đi học. Mỗi ngày đến trường là một niềm vui nhưng với bạn, luôn mang trong mình nỗi sợ hãi bị la mắng”.
Ánh Dương đề xuất: “Thay vì học hòa nhập, các bác lãnh đạo hãy xây thêm nhiều trường chuyên biệt".
Ngoài ra, Dương cũng chỉ ra hạn chế trong giáo dục của nhà trường và gia đình. Học sinh có rất nhiều thứ cần hỏi, cần biết thêm ngoài sách vở nhất là vấn đề về tâm lý, giới tính. Nhưng khi các em hỏi thì giáo viên, bố mẹ đều trả lời hoặc có ý mắng mỏ nói rằng các con còn nhỏ không cần biết đâu, đợi lớn lên sẽ biết.
Trước câu trả lời trước đó của đại diện ngành giáo dục TPHCM là sẽ quan tâm, sẽ cố gắng để mỗi trường đều có chuyên viên tư vấn học đường hỗ trợ các vấn đề của học sinh, Dương nói: “Con trẻ vẫn bị tác động nhiều nhất từ cha mẹ và sẽ yên tâm khi nghe các thông tin từ bố mẹ. Vậy chúng ta hãy nghiên cứu mở các lớp tâm lý, các lớp học làm cha làm mẹ”.
Cả hội trường ngàn người vỗ tay!
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM, chủ trì buổi nói chuyện đã phải bấm micro để xác nhận lại tuổi và lớp học của Dương. Bà Tâm khen ngợi: “Mới 11 tuổi nhưng em Dương có sự quan sát về xã hội, về cuộc sống rất tinh tế, sâu sắc và đặc biệt tấm lòng của em rất bao dung, nhân ái, biết hướng đến người khác”.
Chủ tịch HĐND TPHCM, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm thốt lên rằng bà rất phục khả năng quan sát, đánh giá, cách lập luận và tranh luận và cả tấm lòng nhân ái của cô nữ sinh lớp 6 |
Trong khi nhiều ý kiến cho rằng cần nghiêm cấm mạng internet, mạng xã hội vì sợ giới trẻ bị tác động xấu thì Ánh Dương cũng đóng góp ý kiến rằng đây là sự phát triển công nghệ, thời đại và cần chấp nhận đó đã là thứ không thể nào thiếu trong đời sống.
“Không thể cấm học sinh, cấm trẻ con không được tiếp xúc với thế giới mạng. Hãy khuyến khích chúng con tìm hiểu về internet, về công nghệ và giúp chúng con hiểu cái nào là tốt, cái nào không tốt; cái nào nên tham gia, cái nào nên tránh; cái nào nên xem, cái nào không nên...
“Còn nếu cứ cấm không chỉ gây bó buộc và trẻ con sẽ rất khó phát triển. Có biết bao bạn trẻ khó khăn, rất thiệt thòi khi không có điều kiện tiếp cận với internet”, em Ánh Dương bày tỏ quan điểm.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nói thêm, bà và nhiều lãnh đạo thành phố dự chương trình khâm phục cô học trò Ánh Dương không chỉ có khả năng quan sát, đánh giá, đưa ra hướng giải quyết mà còn biết cách tranh luận, phản biện. Những tốt chất rất cần của giới trẻ bây giờ để các em có thể làm chủ cuộc sống.