Nga – Mỹ có thể thỏa hiệp về Syria và Ukraine dưới thời ông Trump
Trả lời phỏng vấn của Sputnik, một chuyên gia quân sự Nga cho rằng, Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump có khả năng sẽ điều chỉnh trọng tâm trong chính sách đối ngoại so với thời Tổng thống Obama, qua đó có thể dẫn đến sự thỏa hiệp giữa Nga và Mỹ về vấn đề Ukraine và Syria.
Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters) |
Ông Trump vẫn dành sự quan tâm lớn cho châu Á – Thái Bình Dương
Theo chuyên gia quân sự Vasily Kashin, nhiều khả năng ông Trump sau khi tiếp quản Nhà Trắng sẽ gia tăng áp lực đối với cả đồng minh lẫn các đối thủ cạnh tranh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Chuyên gia Kashin dẫn ý kiến của hai cố vấn thân cận của ông Trump là Alexander Gray và Peter Navarro trong bài viết mới đây trên tạp chí Foreign Policy cho rằng, chính quyền của Tổng thống Barack Obama chưa đủ độ cứng rắn trong việc đảm bảo an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương.
Theo Alexander Gray và Peter Navarro, chiến lược xoay trục của chính quyền sắp mãn nhiệm là “yếu ớt”, “nói nhiều hơn làm” khiến Trung Quốc lấn tới ở các vùng biển trong khu vực và đương nhiên, ông Trump sẽ không tiếp tục đi theo hướng này.
“Cách tiếp cận của ông Trump là theo hai hướng. Đầu tiên, ông ấy sẽ không bao giờ hy sinh nền kinh tế Mỹ để phục vụ chính sách đối ngoại. Thứ hai, ông Trump sẽ kiên định theo đuổi hòa bình thông qua sức mạnh – điều mà Chính quyền Tổng thống Obama không mấy quan tâm”, bài viết nhận định.
Theo ông Kashin, chính quyền mới của Mỹ sẽ tăng cường áp lực lên đồng minh khu vực châu Á là Hàn Quốc và Nhật Bản, buộc những nước này phải có đóng góp lớn hơn cho nỗ lực phòng thủ chung.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, áp lực này có thể gây ra những phản kháng nhất định từ phía Tokyo và Seoul.
Tiến sĩ Seijiro Takeshita thuộc Đại học Shizuoka cảnh báo: “Nếu ông Trump yêu cầu chia sẻ gánh nặng nhiều hơn, nó sẽ gây ra phản ứng từ phía phong trào cánh hữu ở Nhật Bản. Họ sẽ đặt ra câu hỏi rằng tại sao Nhật không tự trang bị cho mình thay vì cứ phải nghe theo Mỹ?”.
Theo chuyên gia phân tích Kashin, chiến thắng bất ngờ của ông Trump trước bà Clinton trong cuộc bầu cử ngày 8/11 có thể là lời cảnh tỉnh đối với cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Hơn ai hết, hai quốc gia này cảm thấy rõ rệt tương lai bất định trong mối quan hệ đồng minh với Mỹ dưới thời của ông Trump và để đối phó với bất chắc, họ sẽ phải bắt đầu tự tìm cách đứng trên đôi chân của mình thay vì dựa vào Mỹ.
Trump có cách tiếp cận khác về Triều Tiên, cứng rắn hơn với Trung Quốc?
Trích dẫn nhận định của Gray và Navarro, ông Kashin cho rằng, chính sách của chính quyền Tổng thống Obama liên quan đến “sự kiên nhẫn chiến lược” với Triều Tiên đã thực sự thất bại.
Tàu sân bay USS John C.Stennis từng có các hoạt động ở Biển Đông trong năm 2016. (Ảnh: Hải quân Mỹ) |
Tuy nhiên, trong khi Trung Quốc và Nga đang kêu gọi đồng quốc tế tham gia đối thoại với Triều Tiên, từ bỏ chính sách đối đầu và chấm dứt các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng thì Mỹ dưới thời ông Trump rất có thể sẽ làm điều ngược lại.
“Chính quyền của ông Trump có thể sử dụng vấn đề Triều Tiên để gia tăng áp lực với Trung Quốc bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đơn phương nhằm vào các công ty Trung Quốc có quan hệ kinh tế với CHDCND Triều Tiên. Đồng thời, Washington cũng sẽ khởi động một cuộc ‘tấn công quyến rũ’ với các đối tác thuộc khu vực Đông Nam Á”, chuyên gia Kashin nói.
Chuyên gia Kashin nói thêm: “Mỹ sẽ thuyết phục các quốc gia Đông Nam Á rằng, nước Mỹ dưới thời ông Trump là một đồng minh mạnh mẽ, ổn định, đáng tin cậy và sẽ không ngần ngại dang tay giúp đỡ họ khi cần mà không hề đòi hỏi điều gì quá đáng về các vấn đề nội bộ của những quốc gia này”.
Theo ông Kashin, cách làm của Mỹ nhằm xây dựng lòng tin chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả bởi thời gian qua, những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm xói mòn lòng tin của các quốc gia láng giềng với Bắc Kinh.
Trong bối cảnh cần tập trung vào mục tiêu gia tăng ảnh hưởng ở châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ đương nhiên sẽ phải rút bớt sự quan tâm đối với các khu vực khác và có khả năng Washington sẽ tìm cách giảm bớt sự hiện diện ở Đông Âu và nhanh chóng kết thúc cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông.
“Điều này cho Nga một cơ hội để có được sự nhượng bộ từ phía Mỹ về vấn đề Syria và Ukraine. Sau đó, hai bên có thể đạt được thỏa thuận với các điều khoản mà cả hai cùng chấp nhận được”, chuyên gia Kashin nhận định.
Tuy nhiên, ông Kashin nhấn mạnh rằng, “một thỏa thuận tiềm năng” giữa Nga và Mỹ chỉ có thể đạt được nếu phương Tây dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Giới chuyên gia cảnh báo, ngay cả khi Mỹ quyết định “buông” Ukraine và Syria để quay sang châu Á – Thái Bình Dương thì tình hình ở châu lục này cũng sẽ phát sinh những vấn đề mới và đến một lúc nào đó, lợi ích của Nga sẽ lại bị ảnh hưởng và “vòng luẩn quẩn” xung đột lợi ích Nga – Mỹ chắc chắn sẽ khó có thể chấm dứt hoàn toàn./.