NASA đề xuất cùng các đối tác quốc tế khám phá Mặt Trăng
NASA cho rằng có rất nhiều không gian trên Mặt Trăng và muốn hợp tác với các đối tác quốc tế để thám hiểm hành tinh này. (Ảnh: ISRO/TTXVN) |
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang lên kế hoạch trở lại khám phá Mặt Trăng vào năm 2024 trong sứ mệnh mang tên Artemis 3.
Thế giới rất có thể sắp được chứng kiến sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại có một nhà du hành không phải công dân Mỹ đặt chân lên vệ tinh tự nhiên của Trái Đất, khi NASA rất cởi mở với ý tưởng về sự tham gia của quốc tế.
Phát biểu trong cuộc họp báo bên lề Đại hội Vũ trụ Quốc tế (IAC) lần thứ 70 tại thủ đô Washington của Mỹ, Giám đốc điều hành NASA, ông Jim Bridenstine cho biết: "Có rất nhiều không gian trên Mặt Trăng và chúng tôi cần tất cả các đối tác quốc tế đi cùng chúng tôi tới Mặt Trăng. Nếu chúng ta có thể đi đến thỏa thuận về sự đóng góp của tất cả các quốc gia và cách thức để trở thành một phần của dự án này, thì chắc chắn không có lý do ngăn cản tất cả các đối tác quốc tế tham gia cùng chúng tôi trên Mặt Trăng."
Hiện các chuyên gia Mỹ đang phát triển tàu vũ trụ Orion và trạm vũ trụ mini mang tên Gateway trên quỹ đạo Mặt Trăng để sử dụng cho nhiệm vụ thăm dò đầu tiên trong sứ mệnh Artemis 3 vào năm 2024.
Chỉ có duy nhất một module trong sứ mệnh này được sản xuất bên ngoài nước Mỹ. Module này do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cung cấp - có nhiệm vụ cung cấp điện, động cơ đẩy, điều khiển nhiệt cho tàu Orion cũng như cung cấp dưỡng khí và nước trong không gian vũ trụ.
Theo kế hoạch, chỉ sau khi Gateway được mở rộng, các chuyên gia không phải là người Mỹ mới có thể tham gia hành trình đáp xuống Mặt Trăng.
Cũng có mặt tại cuộc họp báo trên, Giám đốc ESA - ông Jan Worner cho biết: "Chúng tôi cũng đang thảo luận với NASA về việc cử các phi hành gia châu Âu tham gia sứ mệnh thám hiểm bề mặt Mặt Trăng."
Theo nhận định của ông Worner "năm 2024 chắc chắn sẽ là những hoạt động hoàn toàn của Mỹ" trên Mặt Trăng, các phi hành gia châu Âu có thể sẽ tham gia từ "năm 2027 hoặc 2028."
Trong khi đó, ông Hiroshi Yamakawa - Chủ tịch Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản cho biết Tokyo cũng muốn tận dụng dự án của Mỹ để tạo ra chương mới trong lịch sử của chính mình - đó là lần đầu tiên các phi hành gia Nhật Bản đáp xuống bề mặt Mặt Trăng./.