Nắng nóng miền Bắc: Bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân đột quỵ
Đợt nắng nóng đầu tiên những ngày qua tại miền Bắc, khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày đã tiếp nhận hàng chục trường hợp đến cấp cứu do bị sốc nhiệt, trong đó, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ tăng hơn 20%.
Nhiều bệnh nhân nhập viện cấp cứu do nắng nóng. (Ảnh minh hoạ) |
Bệnh nhân cấp cứu do sốc nhiệt và đột quỵ không chỉ có người cao tuổi mà còn có nhiều thanh niên. Đáng chú ý là do nắng nóng, 1 bác sĩ trẻ ở Hà Nội bị đột quỵ và nhanh chóng rơi vào hôn mê khi đang đá bóng. Bệnh nhân được kết luận là phình, vỡ mạch não.
Phó Giáo sư Tiến sĩ, Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Bệnh nhân nhập viện cấp cứu đang tăng. Trong những ngày nắng nóng, nhiều người vẫn phải làm việc ngoài trời như nông dân, công nhân xây dựng, những người phải di chuyển trên đường. Nếu phải làm việc lâu ở ngoài trời, di chuyển một quãng đường dài khi trời nắng nóng thì cố gắng tránh thời điểm từ 12 giờ trưa đến 16 giờ, uống đủ nước và phải che chắn khi ra ngoài nắng…”
Theo các bác sỹ, thời gian vàng để cấp cứu đột quỵ là 6 giờ đầu. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu sớm trong khung giờ này chỉ chiếm gần 10%. Bác sĩ Đào Việt Phương, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong những ngày nắng nóng vừa qua, nhiều bệnh nhân bị đột quỵ lần 2".
Bác sĩ Đào Việt Phương nói: “Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu và các bệnh lý tim mạch. Nếu dự phòng các yếu tố vừa nêu để hạn đột quỵ thì đó là dự phòng cấp 1. Còn khi đã được xuất viện thì phải dự phòng cấp 2, sử dụng thuốc đều đặn. Nhiều người bỏ thuốc đã bị đột quỵ lần 2, với mức độ nặng tăng lên”.
Các dấu hiệu của bệnh đột quỵ là rối loạn ý thức, méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được, đột ngột mất thị lực, liệt 1 nửa cơ thể, liệt 1 tay, 1 chân, vận động khó khăn, chóng mặt bất thường, đau đầu giữ dội. Tiếp đó cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí. Tuyệt đối không cho bệnh nhân uống viên an cung nhằm tránh nghẹt đường thở./.