Vượt 165km, bệnh nhân đột quỵ may mắn được cứu sống
Ngày 12/5, bác sĩ Nguyễn Văn Trung - Phó khoa Thần kinh (Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định), cho biết sức khỏe bệnh nhân Lê Đình Thịnh (52 tuổi, ở thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã chuyển biến khá tốt.
Bác sĩ 2 bệnh viện cách nhau gần 200km phối hợp nhịp nhàng cứu sống bệnh nhân bị đột quỵ |
Hiện, bệnh nhân có thể nói chuyện, ăn uống bình thường và dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới.
Theo bác sĩ Trung, khoảng 19h20’ ngày 10/5, Đơn vị đột quỵ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định đã tiếp nhận bệnh nhân Thịnh từ Bệnh viện Đại học Y dược - Hoàng Anh Gia Lai trong tình trạng nguy kịch, cần phải được can thiệp khẩn cấp trước giờ vàng (6 giờ kể từ khi bệnh nhân đột quỵ).
Trước đó, lúc 1h30’ chiều 10/5, ông Thịnh được gia đình đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y dược - Hoàng Anh Gia Lai trong tình trạng liệt nửa người bên trái, tiếp xúc chậm, nói khó và bác sĩ chẩn đoán là bị đột quỵ.
BS Nguyễn Văn Trung - Phó Khoa thần kinh (BVĐK tỉnh Bình Định) cho biết đây là ca khó vì bệnh nhân bị tổn thương 2 tầng (động mạch cảnh trong và động mạch não giữa). |
Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành chụp MRI, xác định ông Thịnh bị nhồi máu não do tắc nghẽn hoàn toàn động mạch não giữa bên phải và thương tổn kèm theo động mạch cảnh trong bên phải.
Ngay lập tức, các bác sĩ bệnh viện này đã tiêm thuốc tiêu huyết khối qua đường tĩnh mạch cho bệnh nhân Thịnh. Đồng thời, liên hệ ngay với Đơn vị Đột quỵ thuộc Khoa Thần kinh - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định để chuyển bệnh nhân đến cấp cứu.
Vì đây là nơi gần Bệnh viện Đại học Y dược - Hoàng Anh Gia Lai nhất (cách khoảng 165 km) có thể thực hiện được phẫu thuật can thiệp nội mạch để lấy huyết khối (cục máu đông trong não - PV) bằng dụng cụ cơ học.
Nhận được tin báo, bác sĩ Hà Thị Phi Điệp - Trưởng khoa Thần kinh (Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định), lập tức huy động toàn bộ ê kíp thần kinh đột quỵ và ê kíp can thiệp mạch để sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân Thịnh.
Đến 19h20’ tối 10/5, bệnh nhân Thịnh được đưa vào Đơn vị Đột quỵ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định và các bác sĩ khẩn trương làm thủ tục để can thiệp nội mạch lấy khối huyết.
“Đây là ca phức tạp vì bệnh nhân bị tổn thương 2 tầng (động mạch cảnh trong và động mạch não giữa) nên phải tiến hành 2 kỹ thuật, gồm: đặt stent ở động mạch cảnh trong và lấy khối huyết ở động mạch não giữa. Sau khoảng 70 phút sau, các bác sĩ đã hoàn thành 2 kỹ thuật này”, bác sĩ Nguyễn Văn Trung nói.
Đến sáng 11/5, ông Thịnh đã khôi phục gần như hoàn toàn, nói rõ, tay chân bên trái cử động gần như bình thường, ăn uống qua đường miệng…
Theo bác sĩ Trung, đây là trường hợp thứ 2 mà Bệnh viện Đại học Y dược - Hoàng Anh Gia Lai và BVĐK tỉnh Bình Định phối hợp với nhau để cấp cứu kịp thời bệnh nhân bị đột quỵ.
“Thường cấp cứu bệnh nhân bị đột quỵ khi chuyển viện, các bệnh viện chỉ cách nhau 100km, nhưng 2 bệnh viện cách nhau khoảng 165 km. Tuy nhiên, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược - Hoàng Anh Gia Lai đã chẩn đoán chính xác, tiến hành can thiệp và chuyển viện rất kịp thời. Bệnh nhân Thịnh được cấp cứu trong “khung giờ vàng” đối với bệnh nhân đột quỵ (6 giờ đầu tiên). Nếu chỉ chậm khoảng 1 tiếng đồng hồ nữa sẽ nguy hiểm đến tính mạng”, ông Trung nói thêm.
Bà Anh mừng khi ông Thịnh bình phục sau đột quỵ được bác sĩ kịp thời can thiệp. |
Đang chăm sóc chồng tại BVĐK tỉnh Bình Định, bà Lê Thị Anh (49 tuổi) vợ bệnh nhân Thịnh kể lại: “Khoảng 13h30’, chiều 10/5, khi đó chồng tôi chuẩn bị lên rẫy đi làm thì tôi nghe thấy tiếng ú ớ trong phòng, liền chạy vào. Lúc tôi vào thì chân tay anh ấy bị liệt, miệng ú ớ, tôi kịp đỡ từ từ cho tựa vào người rồi kêu con trai gọi xe cấp cứu đưa đi bệnh viện gấp. May mà có người ở nhà phát hiện đưa đi bệnh viện sớm và bác sĩ chẩn đoán chính xác, chuyển viện kịp thời chứ không giờ cũng không biết chồng tôi có qua khỏi không. Giờ anh ấy tỉnh lại nói bình thường, ăn uống được nên gia đình mừng lắm...”.