Nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả
Toàn cảnh hội nghị. |
Theo báo cáo của Ngành Y tế, tổng số ca mắc COVID-19 của tỉnh Thái Nguyên lũy tích từ đầu dịch đến ngày 27/02/2022 là trên 102.000 ca. Tính riêng từ ngày 01/01/2022 đến nay, tại các cơ sở điều trị ghi nhận trên 8.600 trường hợp F0 và trên 91.900 trường hợp F0 được quản lý và điều trị tại nhà hoặc nơi lưu trú; trong đó, hiện đã có trên 24.000 trường hợp điều trị tại nhà được công bố khỏi bệnh. Đối với các địa bàn có nhiều khu công nghiệp, trường đại học với lưu lượng người lao động, học sinh, sinh viên đến làm việc và học tập nhiều, số chuyên gia, người nước ngoài nhập cảnh đến làm việc khá đông, sự di biến động dân cư lớn, tiểm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao, công tác phòng, chống dịch đang được các địa phương tập trung thực hiện, nhằm từng bước khống chế số ca lây nhiễm trong cộng đồng và trong các khu công nghiệp.
Đồng chí Trần Đăng Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho hay: "Chúng tôi tích cực tuyên truyền trên hệ thống, qua Tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo các xã đến nhân dân; chỉ rõ nguồn lây; tỷ lệ lây nhiễm rất ít".
Đồng chí Trần Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên, cho biết: "Thị xã Phổ Yên đã chủ động có văn bản đến Ban Quản lý các khu công nghiệp gửi đến các doanh nghiệp trên địa bàn, tăng cường thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước, đặc biệt là quy định 5K. Bên cạnh đó, tự chủ, tự hướng dẫn công nhân test, xét nghiệm, cách ly ở phân xưởng, doanh nghiệp".
Công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở y tế trên địa bàn được duy trì hiệu quả. Tuy nhiên, từ đầu dịch đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 43 ca tử vong, hầu hết đều là các trường hợp có bệnh nền hoặc chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19. Về công tác tiêm phòng COVID-19, dù được tiếp cận với nguồn vắc xin số lượng lớn muộn hơn nhiều địa phương khác, nhưng đến nay, tổng số liều vắc xin đã được tiêm trên địa bàn tỉnh là trên 2,3 triệu liều, nằm trong số những tỉnh, thành phố có độ bao phủ vắc xin cao nhất cả nước. Trong đó, trên 96,3% người trong độ tuổi từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi; trên 42% hoàn thành mũi tiêm thứ 3; tỷ lệ trẻ em từ 12 đến 17 tuổi hoàn thành mũi tiêm thứ hai là 99,98%. Qua đánh giá, xác định mức độ dịch và tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, căn cứ Nghị quyết số 128 của Chính phủ, đánh giá tình hình dịch COVID-19 hiện tại của Thái Nguyên là cấp độ 1.
Tại hội nghị, các đơn vị, địa phương đã báo cáo, làm rõ tình hình diễn biến dịch bệnh, khó khăn trong công tác phòng, chống dịch và giải pháp, kinh nghiệm để khắc phục, khống chế dịch bệnh; đồng thời, đề xuất một số ý kiến, kiến nghị liên quan.
Đồng chí Hà Thị Bích Hồng, Bí thư Huyện ủy Võ Nhai thông tin: "Võ Nhai có hơn 2.000 ca, tuy nhiên, khó khăn trong cách ly F0 tại nhà; khó đáp ứng 6 điều kiện. Người dân chủ động cách ly, đây là sự sáng tạo, linh hoạt trong vùng đồng bào".
Theo nhận định, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước, trên thế giới nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng. Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Y tế cũng đã hướng dẫn khái quát quy trình xử lý khi phát hiện trường hợp nhiễm COVID-19; hướng dẫn tạm thời thực hiện quản lý, chăm sóc và điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà hoặc nơi lưu trú.
Đồng chí Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: "Đối với 1 người dân khi xác định có nhiễm COVID-19 hay không căn cứ vào: người đó được làm xét nghiệm PCR; xét nghiệm test nhanh kháng nguyên 2 lần dương tính trong vòng 8 tiếng. Những trường hợp không triệu chứng, triệu chứng nhẹ và không có bệnh nền nguy hiểm, chúng ta hướng dẫn cách ly, điều trị tại nhà hoặc tại nơi lưu trú. Những trường hợp có triệu chứng từ mức độ trung bình trở lên hoặc những trường hợp triệu chứng nhẹ có bệnh nền nên đưa vào cơ sở y tế điều trị. Việc đưa vào cơ sở y tế điều trị hay để ở nhà, cán bộ y tế địa phương hoặc các phòng khám khi tiếp nhận bệnh nhân đến khám, điều trị, đánh giá yếu tố nguy cơ của bệnh nhân phải tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân ngay, đảm bảo an toàn, không để bệnh nhân diễn tiến nặng".
Cùng với công tác phòng, chống dịch, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là thị trường thuốc, vật tư y tế và các mặt hàng thiết yếu khác được tăng cường để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên cho hay: "Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được thực hiện thường xuyên, đảm bảo nguồn hàng phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân. Các hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân được đảm bảo tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại".
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 nhấn mạnh, mặc dù, số ca F0 trên địa bàn tăng nhanh, nhưng Thái Nguyên vẫn đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Trước dự báo dịch COVID-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp, đồng chí lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác phòng, chống dịch thời gian tới.
Đồng chí nhấn mạnh: "Tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 và Công điện số 170 ngày 23/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiêm vắc xin và một số biện pháp đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19; các cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo các xã, phường, thị trấn bám sát tình hình diễn biến cơ sở và đặc biệt phải làm sao khi người dân là F0 và muốn hỗ trợ, tư vấn phải được tư vấn, hỗ trợ. Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên phải phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương, đơn vị có liên quan và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh; tập trung chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên các cơ quan, đơn vị nghiêm túc, gương mẫu thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn trụ sở cơ quan, đơn vị, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ đắc lực hiệu quả công tác phòng, chống dịch".
tập trung đa dạng hóa các kênh thông tin, tuyên truyền để hỗ trợ người bị COVID-19; tăng cường áp dụng chuyển đổi số trong khai báo, hướng dẫn, điều trị và thực hiện các thủ tục liên quan từ cơ sở, đảm bảo an toàn phòng dịch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Chú trọng tuyên truyền hậu COVID-19, không chủ quan với dịch bệnh; đảm bảo điều kiện công tác cho lực lượng y tế tuyến đầu; đảm bảo thị trường thuốc, vật tư y tế và các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh".
Đối với các ý kiến, đề xuất tại hội nghị, trên cơ sở giải đáp, hướng dẫn của lãnh đạo tỉnh, các đơn vị, địa phương chủ động triển khai theo hướng dẫn, trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả./.