Lệnh trừng phạt của Mỹ vào Huawei sẽ làm chậm quá trình triển khai mạng 5G trên toàn cầu?
Theo hãng tin Reuters, nhiều hãng công nghệ lớn tên thế giới, bao gồm Intel, Qualcomm, công ty nghiên cứu di động InterDigital Wireless Inc và nhà mạng Hàn Quốc LG Uplus đã yêu cầu các nhân viên của mình ngừng thảo luận về các vấn đề công nghệ và tiêu chuẩn mạng 5G với hãng công nghệ Trung Quốc Huawei, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, sau khi Huawei bị chính phủ Mỹ đưa vào “danh sách đen” với những lo ngại về vấn đề gián điệp và thu thập thông tin.
Những cuộc thảo luận như thế này thường là một phần trong các cuộc họp và sự kiện công nghệ, viễn thông quốc tế, nơi kỹ sư của các hãng công nghệ cùng tập hợp để thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật cho các công nghệ viễn thông, bao gồm cả thế hệ mạng di động mạng 5G tiếp theo.
Là một trong những hãng cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, việc Huawei bị “cô lập” sau lệnh trừng phạt của Mỹ có thể làm ảnh hưởng đến việc triển khai mạng 5G trên toàn cầu |
Ngoài những công ty công nghệ lớn kể trên, nhiều hãng công nghệ có quy mô nhỏ hơn cũng đã hạn chế giao dịch và thảo luận với Huawei vì lo ngại rằng sẽ vô tình vi phạm lệnh cấm của chính phủ Mỹ và sẽ chịu các lệnh trừng phạt.
Tại một cuộc họp thảo luận về tiêu chuẩn mạng 5G vừa diễn ra vào tuần trước tại thành phố Newport Beach (bang California, Mỹ), nơi Huawei cũng cử các đại diện tham gia, thì dường như các kỹ sư tham gia sự kiện đã tránh cũng như hạn chế tiếp xúc với những đại diện đến từ Huawei trong việc thảo luận về những công nghệ và tiêu chuẩn 5G tại sự kiện lần này.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia lo ngại rằng động thái “cô lập” Huawei như thế này có thể làm ảnh hưởng và làm chậm quá trình triển khai công nghệ mạng 5G trên toàn cầu, dự kiến sẽ được diễn ra vào quý I năm sau.
Huawei hiện có tiếng nói khá quan trọng trong các tổ chức quốc tế về thiết lập tiêu chuẩn kỹ thuật trên toàn cầu và là một trong những nhà sản xuất thiết bị mạng, viễn thông lớn nhất thế giới, do vậy nhiều chuyên gia công nghệ nhận định rằng Huawei đóng vai trò quan trọng trong việc góp tiếng nói để thiết lập các tiểu chuẩn kỹ thuật nhằm đảm bảo trải nghiệm khách hàng được liền mạch khi mạng 5G được triển khai và trở nên phổ biến.
“Huawei không chỉ là một công ty. Họ, theo nhiều cách khác nhau, là người tiên phong trong công nghệ mạng 5G. Loại bỏ họ rất khó khăn cho công việc vì sẽ phá vỡ toàn bộ dự án. Nếu ý tưởng là tạo ra một mạng 5G không có người Trung Quốc, tôi không nghĩ rằng nó sẽ khả thi. Và nếu có thể, liệu điều đó có tốt?”, Jorge Chontreras, giáo sư trường đại học Utah (Mỹ) nhận xét về việc Huawei đang bị “cô lập” khỏi việc phát triển mạng 5G.
Các chuyên gia cũng nhận định để mạng 5G có thể phát triển hết tiềm năng trên toàn cầu cần phải có sự đồng thuận về việc có hay không cho phép các kỹ sư Huawei tham gia vào các cuộc thảo luận trong tương lai về các tiêu chuẩn kỹ thuật mạng 5G.
Vào giữa tháng 5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Huawei vào “danh sách đen” và cấm các công ty của Mỹ thực hiện giao dịch với Huawei mà chưa được phép của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên sau đó Bộ Thương mại Mỹ đã cho phép tạm hoãn lệnh cấm này trong vòng 90 ngày, và sẽ có hiệu lực từ tháng 8, tuy nhiên nhiều hãng công nghệ lớn và nhỏ của Mỹ cũng đã bắt đầu ngừng hợp tác với Huawei vì lo ngại vi phạm lệnh cấm này có thể chịu các lệnh trừng phạt từ phía chính phủ Mỹ.
Trong số các hãng công nghệ Mỹ đã ngừng hợp tác với Huawei có thể kể đến Microsoft, Qualcomm, Intel, Broadcom, Synoposys... và bao gồm cả các hãng công nghệ lớn của các nước đồng minh của Mỹ như ARM (Anh) hay SoftBank (Nhật Bản)...