Mỹ điều tra quy trình triệu hồi xe của Hyundai và Kia
Theo các tài liệu vừa công bố, cơ quan an toàn của Mỹ sẽ điều tra cả về phạm vi, tính kịp thời của các đợt triệu hồi, cũng như việc Hyundai và Kia có tuân thủ các quy định về báo cáo hay không. Cơ quan An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) cho biết, họ sẽ đưa ra các hình phạt nếu phát hiện 3 đợt triệu hồi của Hyundai không được thực hiện đầy đủ tại nước này.
Trong khi đó, người phát ngôn của Hyundai tại Hàn Quốc khẳng định rằng công ty đã tiến hành triệu hồi xe theo đúng quy định và thủ tục của Mỹ; đồng thời cam kết sẽ trung thực, hợp tác trong quá trình điều tra.
Năm ngoái, Hyundai đã triệu hồi 470.000 xe Sonata do lỗi động cơ khiến xe có thể đột ngột dừng lại, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn. Tại thời điểm trên, Kia không triệu hồi các xe sử dụng chung động cơ Theta II với Hyundai.
Đến tháng 8/2016, Kim Gwang-ho, một kỹ sư của Hyundai, đã sang Mỹ và tố giác công ty với NHTSA, cho rằng nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc cần triệu hồi số lượng xe lớn hơn liên quan đến vấn đề này. Ngày 31/3 vừa qua, Hyunda mở rộng đợt tiệu hồi tại Mỹ lên 520.000 xe Sonata và Santa Fe Sport được trang bị động cơ Theta II. Cùng ngày, Kia cũng thông báo thu hồi 618.160 xe Optima, Sorento và Sportage với cùng nguyên nhân.
Đây không phải lần đầu tiên Hyundai-Kia bị tố cáo là không chịu tự nguyện triệu hồi xe. Mới đây, chính phủ Hàn Quốc đã yêu cầu Hyundai và Kia phải mở một đợt triệu hồi khoảng 240.000 xe sau khi phát hiện 5 sự cố khác nhau ở 12 dòng xe. Cả hai nhà sản xuất ô tô đã từ chối phát lệnh triệu hồi tự nguyện, vì cho rằng các lỗi trên không ảnh hưởng đến sự an toàn. Tuy nhiên, lập luận của cả Hyundai và Kia đều không thuyết phục được nhà chức trách Hàn Quốc
Hồi tháng 8/2014, Hyundai đã bị cơ quan an toàn liên bang Mỹ phải nộp phạt tới 17,35 triệu USD do chậm thông báo triệu hồi xe Genesis đời 2009-2012 do các vấn đề ở hệ thống phanh. Theo NHTSA, Hyundai đã biết lỗi này từ năm 2012, nhưng chỉ âm thầm đưa ra các hướng dẫn kỹ thuật tới các đại lý để khắc phục lỗi.