Mua lại SIM, liên tục bị gọi điện đòi nợ và đe dọa
Gọi điện đòi nợ và đe dọa chỉ vì xài SIM của "người khác" |
Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, một số người tiêu dùng không sử dụng dịch vụ từ các công ty nhưng liên tục bị gọi điện, nhắn tin đòi nợ hoặc giục trả nợ cho người thân, đồng nghiệp, bạn bè đã vay tiêu dùng từ các công ty này. Một số cá nhân đã gọi điện, nhắn tin với lời lẽ xúc phạm người tiêu dùng, thậm chí cử người đến tận nhà đe dọa, gây áp lực.
Cục này đã tiến hành phối hợp với người tiêu dùng để giải quyết từng vụ việc cụ thể và kết quả cho thấy, hầu hết các vụ việc phát sinh là do nguyên nhân do những công ty vay tiêu dùng không thực hiện việc xác minh lại thông tin chủ thuê bao điện thoại. Thậm chí ngay cả khi người tiêu dùng đã đề nghị các công ty này kiểm tra và tiến hành điều chỉnh lại thông tin chủ thuê bao để tránh phiền toái. Những SIM này thuộc về khách hàng vốn có khoản vay tại công ty tài chính nhưng do không có khả năng thanh toán nên đã vứt bỏ số SIM, không thông báo tới công ty tài chính và người tiêu dùng mới mua lại và dính "phiền phức".
Kết quả trong việc giải quyết sự việc cũng ghi nhận các công ty tài chính này cũng không thực hiện liên hệ số điện thoại do người vay cung cấp khi làm hồ sơ vay để xác nhận trước khi phê duyệt khoản vay. Nhân viên của các công ty này áp dụng các biện pháp thu hồi nợ không đúng quy trình (dọa nạt, đe dọa người tiêu dùng)…
Cục cho biết, sau phản ánh và làm việc, các công ty tài chính này đã thực hiện việc xử lý các nhân viên vi phạm, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu và xin lỗi người tiêu dùng. Đối với một số vụ việc phát sinh do lỗi của người tiêu dùng (chủ yếu là vi phạm nghĩa vụ thanh toán), Cục đã yêu cầu các bên tiến hành thương lượng, hòa giải và tuân thủ đúng theo quy định của hợp đồng đã ký kết cũng như pháp luật có liên quan.
Trước thực trạng trên, Cục CT&BVNTD khuyến cáo, người dùng trước khi thực hiện các giao dịch vay tín dụng tiêu dùng, cần tìm hiểu kỹ về đơn vị cung cấp dịch vụ, loại dịch vụ, hợp đồng tín dụng. Lưu ý các thông tin: mức lãi suất hàng tháng, tổng số tiền phải thanh toán và quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan…
Khi bị “đòi nợ nhầm” cần ngay lập tức phản hồi cho đơn vị cung cấp dịch vụ tín dụng tiêu dùng kèm theo các tài liệu chứng minh (nếu có). Liên hệ với cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, cơ quan thanh tra ngân hàng hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông để được hỗ trợ.