“Miền Bắc nhiều nghệ sĩ diễn hài rất tốt nhưng động đến cát sê cao lắm”
Những năm gần đây, thị trường hài tết đã trở nên xôm tụ và đa dạng hơn trước. Với tư cách đạo diễn gắn bó với phim hài tết 23 năm qua, anh nhìn nhận như thế nào về những tín hiệu này?
Thực ra, chúng ta nên gọi tên cho chuẩn xác là hiện có phim hài tết và tiểu phẩm hài tết. Thời gian gần đây tôi thường làm phim có độ dài từ 100 đến 120 phút. Cấu tứ kịch bản, bối cảnh, diễn viên… được đầu tư hơn tiểu phẩm nhiều.
Ở ngoài thị trường bây giờ toàn làm phim kiểu như tiểu phẩm trong “Gặp nhau cuối tuần” ngày xưa. Quy mô đầu tư ít, kịch bản hời hợt, diễn viên có hạn, vấn đề được đề cập tới rất chi là hạn hẹp.
Đã gọi là phim thì khâu kịch bản rất quan trọng. Phải đưa ra được mở bài, thân bài và kết luận. Nhân vật phải có số phận, phim phải có thông điệp, kịch bản phải có cấu tứ rõ ràng. Nhiều người hiện nay đang nhầm lẫn giữa tiểu phẩm và phim hài vì thế mới mất lòng tin dần ở hài tết. Thực ra, thời của tiểu phẩm đáng ra phải qua lâu rồi mới đúng.
Đạo diễn Phạm Đông Hồng (áo xanh nhạt) đang chỉ đạo trường quay phim hài tết. |
Mặc dù đã nhiều lên về số lượng nhưng nhiều sản phẩm hài tết vẫn khiến người xem “tức anh ách” khi ngày càng mang đến những tiếng cười nhảm - nhạt - tục. Anh nghĩ sao điều này?
Cái này rõ ràng có thực và có nhiều nguyên nhân. Nói một cách khách quan là có một bộ phận khán giả vẫn xem tiểu phẩm nên các nhà sản xuất vẫn tiếp tục sản xuất những dạng hài như thế.
Những năm gần đây, hài tết không phát hành dưới dạng đĩa nhiều như như ngày xưa. Người ta không còn bỏ tiền ra mua đĩa rồi mở cho cả nhà xem như 5 năm trước. Bây giờ các sản phẩm đa phần đưa lên youtube, tức khản giả được xem “free” (miễn phí). Và vì thế các nhà sản xuất buộc phải đưa vào sản phẩm của mình những yếu tố mang tính câu view. Câu view thì ngoài những yếu tố hài phải có những sexy, chọc cười…
Và điều này có thực sự hay hay không thì mỗi người một quan điểm khác nhau nhưng có cung mới có cầu. Người dân xem giải trí, cười vui là được nên vẫn có những sản phẩm kiểu đó ra đời. Đó là những sản phẩm chỉ loanh quanh với vài ba diễn viên, loanh quanh vài ba chuyện là hết chứ tổng thể nói lên cái gì, số phận nhân vật ra sao gần như không có.
Đó là lí do mà năm nay lại làm hài tết theo kiểu lấy tích xưa kể chuyện nay mà không tiếp tục làm hài hiện đại?
Làm hài dân gian là thương hiệu của tôi nhiều năm qua. Năm ngoái, sở dĩ có một phim hài hiện đại là vì vào dịp Noel có người gửi cho tôi kịch bản nói về một cô hotgirl sống ảo, suốt ngày lên mạng xã hội, khoe vòng này vòng kia, nói chuyện đạo lý rỗng… bắt được chuyện đó tôi mới thử làm một phim hài hiện đại để đưa cho khán giả xem vào dịp giáng sinh và tết tây. Cái đó chỉ mang tính thăm dò thị trường chứ bản chất của tôi từ xưa đến nay 23 năm toàn làm phim hài dân gian. Năm nay, tôi tiếp tục làm phim dân gian là “Chôn nhời 5” và “Họ Lý, tên Thông”.
Ngày xưa tôi hay dựa vào chuyện dân gian Việt Nam như: chuyện sợ vợ, chuyện thầy rởm, chuyện thạch sùng… để làm phim nhưng nếu cứ dựa vào đó sẽ hết vốn. Độ 5 năm trở lại đây, tôi chỉ dựa vào tích đó để dựng thành một câu chuyện mới theo kiểu của mình. Cách thể hiện là dân gian nhưng vẫn đề là của đương thời.
Năm nay tôi làm phim “Họ Lý, tên Thông”, lúc đầu mới nghe mọi người nghĩ tôi dựng lại truyện “Thạch Sanh” nhưng kỳ thực không phải. Trong phim này, có hai nhân vật tên là Lý Thông và Thạch Sanh. Câu chuyện của phim này có tính triết lý cao và tôi cho rằng đề tài này chưa ai làm.
Lý Thông trong truyện cổ tích ai cũng cho là đại diện cho cái xấu, cái ác… nhưng trong phim anh ta không phải người ác ngay từ đầu. Lý Thông chỉ mang hình hài xấu, mặt mũi rơi vào một số điều phạm của tướng học thôi chứ 1/3 phim anh ta vẫn là người tốt. Lý Thông chính là người cứu Thạch Sanh rồi mời Thạch Sanh về ở cùng.
Trong quá trình ở cùng Thạch Sanh, Lý Thông chuyên môn giúp người. Một hôm đi chợ, gặp người bị nạn, Lý Thông ra tay giúp nhưng người nhà đến không hiểu lại tưởng anh ta đánh người cướp của nên anh ta bị đánh. Có lần anh ta nấu cháo từ thiện phát chẩn cho dân nghèo liền bị bọn nhà giàu ra đánh vì cho là “tinh tướng”. Nghĩa là anh ta liên tục bị dồn vào chân tường mặc dù anh ấy không làm gì xấu. Cuối cùng anh ấy nói một câu: “Cả đời mình làm người tốt nhưng không được ai công nhận, từ nay mình không làm người tốt nữa”.
Từ đó, anh ta mới biến chất. Từ một con người hiền lành, tốt bụng, hay giúp người thành một người gian manh, ác độc. Việc đầu tiên anh ta làm khi thành người ác là đốt chợ. Mưu tính của anh ta là sau khi đốt chợ sẽ đứng ra xây chợ để thu tiền phí. Trước đó, khi vua vi hành thì gặp cảnh Lý Thông nấu cháo phát chẩn cho dân nên vua đã ban cho anh ta bốn chữ vàng. Ngày xưa ai được vua ban bốn chữ vàng là có thể được miễn tội chết. Anh ta được thế vin vào đó để làm nhiều điều ác hơn.
Điều tồi tệ là anh ta làm điều ác với chính cả người em kết nghĩa của mình. Đầu tiên anh ta cướp người yêu của Thạch Sanh rồi giả vờ tàn tật để trốn lính. Đến đỉnh điểm, không ai xử được, các quan liền bẩm báo triều đình, chính vua về thu lại bốn chữ vàng này. Hết phim tôi mới cho đoạn lí giải vì sao anh Lý Thông làm những việc như vậy. Đoạn này có tính triết lý rất cao.
Điều tôi muốn nói là câu chuyện dựa trên tích xưa nhưng lại được khai thác ở khía cạnh mới. Đó là con người ai đẻ ra cũng lương thiện như nhau nhưng bị xã hội đùn đẩy như thế nào đó họ mới biến chất. Đây là phim lần đầu tiên chúng tôi triển khai quay công nghệ 4K.
Năm nào anh cũng làm phim hài tết nhưng dàn diễn viên trong các phim của anh lại bị chê là khai thác đi, khai thác lại. Phải chăng diễn viên hài miền Bắc đã “cạn kiệt”?
Diễn viên hài của miền Bắc không hẳn không có những người trẻ nhưng để đáp ứng được yêu cầu của tôi thì hơi khó vì tôi làm phim dân gian. Ví dụ thời gian gần đây xuất hiện Trung “ruồi”, Minh “tít”, Duy Nam… nhưng so với các diễn viên khác thì các bạn này vẫn còn non. Sự hiểu biết của các bạn ấy chưa được như các diễn viên đàn anh, đàn chị.
Cảnh trong hài tết "Họ Lý, tên Thông". |
Lúc đầu tôi tôi đã phải rất đau đầu để chọn diễn viên đóng vai Lý Thông. Lý Thông là một nhân vật đa tính cách, mới đầu hiền, sau đó ác và ác dần lên. Nghĩa là người đảm được vai này phải là một diễn viên tài năng, nghĩ mãi tôi mới tìm ra Trung Hiếu. Tiếp đó là nhân vật Thạch Sanh, tôi cũng nghĩ mãi không biết chọn vì Thạch Sanh đòi hỏi phải có thân hình cao to và duyên dáng. Ở miền Bắc không có ai ngoài Thành Trung.
Miền Bắc, đa phần nghệ sĩ diễn hài đều đi lên từ “Gặp nhau cuối tuần” chứ không có ai từ đầu đã là diễn viên hài. Có mỗi anh Xuân Hinh là hề chèo, còn lại là tay ngang hết. Vì thế, nếu họ có được mời đóng đi đóng lại âu cũng là điều không khó hiểu cho lắm.
Theo anh, ở miền Bắc những ai đóng hài mà ra chất hài nhất?
Thực ra, đóng hài ngoài tài năng diễn xuất ra phải có cái duyên. Duyên hài không phải học từ trường lớp ra mà diễn được. Có những người nói một câu người ta đã cười nghiêng ngả nhưng có những người nói cả ngày cũng không ai cười. Cái đó không phải học ở trường ra mà diễn được.
Ở miền Bắc những năm trước có anh Xuân Hinh. Công Lý cũng là người diễn hài có duyên. Quang Thắng thì trông mặt đã thấy buồn cười rồi. Tự Long - Xuân Bắc cũng là cặp đôi có màu sắc hài rất riêng.
Thực tế cho đến nay vẫn còn “hiện tượng” người đóng hài rất nhiều nhưng vẫn bị khán giả chê nhạt. Anh nghĩ sao?
Những năm gần đây, đặc biệt dịp tết, nhiều người nghĩ hài tết rất “ăn” nên các công ty xông ra làm. Ngày xưa mỗi mình tôi một “chợ”, không phải cạnh tranh với nhiều người. Nhất là thời làm “Râu quặp”, “Thầy giởm… có mấy ai làm hài tết đâu.
Ở miền Bắc có những người diễn hài rất tốt nhưng động đến thì cát sê cao lắm. Chẳng hạn như anh Xuân Bắc - Tự Long - Xuân Hinh - Công Lý.
Một công ty nhỏ mà mời những nghệ sĩ lớn đóng họ lại sợ không có lãi nên người ta mời một vài gương mặt kém hơn một chút để giá thành thấp. Với họ có gương mặt đó trong sản phẩm là được. Có nhiều người chỉ xuất hiện có vài cảnh ngắn trên sản phẩm nhưng vẫn được mời. Và vì đa phần bây giờ toàn làm tiểu phẩm nên người ta xuất hiện tiểu phẩm này một tí, tiểu phẩm kia một tí cũng không cảm thấy vấn đề gì cả.
Đối với diễn viên có tên tuổi và tài năng thực sự khi được mời bao giờ câu đầu tiên cũng là kịch bản như thế nào chứ chưa hỏi cát sê vội. Đọc xong kịch bản người ta mới bàn tiếp đến cát sê. Còn những người làm tiểu phẩm, có nhiều người còn không biết kịch bản như thế nào đã vội hỏi tiền cát sê. Người ta mời đóng nhưng đưa cho vài ba tờ giấy thế là xong.
Tôi phải nói thẳng thế vì hiện tại có một bộ phận diễn viên như thế. Như thế thì làm sao mà chất lượng được, làm sao có thể mang đến tiếng cười trí tuệ được?
Anh là người rất hay mời nghệ sĩ miền Nam ra đóng hài tết. Cát sê của nghệ sĩ hài miền Nam có cao hơn cát sê nghệ sĩ hài miền Bắc?
Nghệ sĩ miền Nam thường thì làm đến đâu nhận tiền đến đó. Chẳng hạn, thấy vai này vất vả, quay 5 – 7 ngày thì phải trả cát sê khác mà quay một ngày cát sê khác.
Ở miền Bắc hiện nay có một bộ phận có kiểu mặc cả cát sê theo gương mặt. Nghĩa là tôi xuất hiện trong sản phẩm này dài ngắn không biết nhưng phải trả cho tôi ngần đó tiền.
Ở miền Nam người ta làm phim chiếu rạp khác, phim video khác. Phim chiếu rạp kiểu gì cũng phải cao hơn video. Tôi đã từng chứng kiến có người đòi hẳn một tỷ đến một tỷ rưỡi một phim nhưng làm phim video thì thấp hơn rất nhiều lần. Ở miền Bắc không tư duy như thế. Người ta tư duy là cứ tết có sự xuất hiện của trong sản phẩm này là phải ngần này tiền. Bởi thế mà mời diễn viên miền Nam bao giờ cũng dễ hơn mời diễn viên miền Bắc. Tất nhiên, không phải ai cũng thế mà chỉ là một bộ phận mà thôi.
Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.