Lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam tăng nhanh thứ 7 trên thế giới
Theo đó, tốp 10 điểm đến tăng trưởng cao nhất trên thế giới gồm có: Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Croatia, Ấn Độ, Italia, Tây Ban Nha, Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản, Anh.
Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á lọt vào nhóm này. Các nước còn lại xếp ở vị trí thấp hơn: Thái Lan (15), Indonesia (16), Malaysia (18), Philippines (20), Singapore (26).
Trong tốp 10 thị trường quốc tế tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam có Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Malaysia, Đức, Pháp. Đây đều là những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam đại diện cho các khu vực Bắc Mỹ, Đông Bắc Á, Tây Âu, Đông Nam Á.
Ấn Độ và Australia là 2 thị trường lớn đầy tiềm năng tăng trưởng mạnh do vừa qua các hãng hàng không đã phục hồi và mở rộng đường bay kết nối các thành phố của Việt Nam và 2 nước này.
Các địa phương của Việt Nam nhận được lượng tìm kiếm nhiều nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang và Hội An. Bên cạnh đó, có những địa phương đạt mức tăng trưởng rất cao như: Quy Nhơn (trên 75%), Hải Phòng (trên 75%), Vũng Tàu (25% đến 50%), Hạ Long (25% đến 50%), Nha Trang (10% đến 25%), Cần Thơ (10% đến 25%).
Vẫn theo dữ liệu của Google, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam thời điểm này đã tăng gấp 3-4 lần so cùng kỳ năm 2022 - thời điểm nước ta vừa mở cửa du lịch. Điều này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ về nhu cầu đi du lịch Việt Nam.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 4,6 triệu lượt (tương đương 57,5% kế hoạch năm). Lượng khách nội địa đạt 50,5 triệu lượt (tương đương 50% kế hoạch năm). Với đà tăng trưởng tốt và những chính sách thuận lợi trong thời gian tới, ngành du lịch nhiều khả năng sẽ đạt và vượt mục tiêu đón khách đề ra trong năm nay.
Thời gian qua, toàn ngành du lịch đã tập trung triển khai các giải pháp để phục hồi và phát triển thông qua hàng loạt hoạt động xúc tiến quảng bá ở trong và ngoài nước, tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số… để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.