Liên kết Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa hiệu quả
Tiềm năng to lớn và sự đóng góp không nhỏ của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong sự phát triển kinh tế chung của cả nước đã được chứng minh qua nhiều năm. Vấn đề cần bàn hiện nay là liên kết vùng để khai thác tối đa tiềm năng kinh tế vẫn chưa thành hiện thực, dù năm nào cũng được nhắc đi nhắc lại.
Năm 2016, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành trong vùng cho rằng, đã bàn nhiều hơn đến sự liên kết nhưng hiệu quả thì chưa cao. Năm 2017 này, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam kỳ vọng nhiều hơn ở mối liên hệ với nhau đề cùng phát triển, xuất phát từ nỗ lực của từng tỉnh thành và cần thêm những cơ chế, chính sách từ Chính phủ, từ các bộ ngành trung ương.
Kết nối hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố làm tăng tính liên kết trong vùng kinh tế trọng điểm. (Ảnh minh họa: KT) |
Một trong những mục tiêu của liên kết trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là phát triển được thế mạnh của từng địa phương. Bà Rịa- Vũng Tàu xác định, thế mạnh của tỉnh là cảng biển gắn với dịch vụ logistic nhưng chưa được phát huy vì nhiều lý do. Trong đó, thiếu kết nối về giao thông, thiếu liên kết giữa các địa phương trong vùng để thực hiện quy hoạch của Bộ GTVT, chủ trương của Chính phủ trong di dời hệ thống cảng biển nội đô TP HCM, đầu tư phát triển cụm cảng biển nhóm 5 - Đông Nam bộ.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa- Vũng Tàu thẳng thắn nhận xét: “Liên kết vùng có giá trị khi thúc đẩy được phát triển lợi thế so sánh của mỗi tỉnh. Nhưng hiện nay lợi thế so sánh của Bà Rịa- Vũng Tàu chưa được phát triển mạnh nên liên kết vùng hiện chưa hiệu quả. Chúng ta vẫn còn chậm trễ và hết sức ì ạch trong liên kết vùng”.
Đó chỉ là một trong những ví dụ về sự liên kết chưa chặt chẽ trong vùng. Điều này còn thể hiện trên hầu hết các lĩnh vực, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của từng địa phương và của cả vùng như giao thông, du lịch, công nghiệp, môi trường…
Đã có lúc, TP HCM với vai trò đầu tàu trong vùng kinh tế này kêu gọi các địa phương ngồi lại với nhau, bàn bạc trên tinh thần vì lợi ích chung. Thành phố cũng đã mạnh dạn đứng ra tổ chức kết nối giao thông với các tỉnh, trong vùng trong khi chờ đợi một cơ quan, tổ chức nào đó có vai trò làm đầu mối, điều phối hoạt động vùng.
Chủ tịch Hội đồng vùng luân phiên, là lãnh đạo của một tỉnh, thành trong vùng nên chỉ mang tính kết nối thông tin mà không chỉ đạo được. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang mạnh dạn đề xuất với Chính phủ phân công một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch Hội đồng kinh tế vùng, nhiệm kỳ 5 năm.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM, Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhiệm kỳ 2015-2016 cho rằng: “Sự phân công chưa chặt chẽ, giữa phân công và phối hợp với nhau còn rất khó khăn. Mặc dù ai cũng thấy được thực tế liên kết sẽ tạo nên xung lực mạnh, thúc đẩy kinh tế vùng phát triển nhưng cơ chế nào để gắn kết lại hiện nay rất khó”.
Cùng với mong muốn có một đầu mối điều phối vùng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn mong muốn nhiều hơn những cơ chế phối hợp, chính sách riêng, phù hợp với đặc thù. Tuy nhiên, sự phát triển thì không chờ đợi bất cứ điều gì, nên các tỉnh thành trong vùng vẫn phải nỗ lực thực hiện phát triển kinh tế trên cơ sở những gì đã có.
Theo ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM, cũng đã có một số cơ chế cho vùng chưa được các bộ, ngành Trung ương khai thác tốt.
“Tôi đề nghị từng bộ, ngành giúp cho vùng bằng những việc cụ thể trong cơ chế hiện tại. Bộ nào giúp được gì cho vùng thì cần triển khai ngay. Trong khi chúng ta cứ nói là chưa có cơ chế đồng bộ, nhưng chủ trương của Đảng đã có rồi, với những cơ chế hiện hành nên tập trung khai thác hết, từ đó mới tìm ra được sự kết nối”, Bí thư Đinh La Thăng chỉ rõ.
Kỳ vọng vào sự liên kết để phát triển của vùng, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học cũng tâm huyết đưa ra nhiều đóng góp như: một mô hình phát triển vùng, chính sách pháp luật cần có về đất đai.
PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Hội đồng vùng là một tổ chức mà hiện nay chưa có quyền lực. Vùng cũng chưa có một nguồn lực nào cả.
“Tôi cho rằng quan điểm vùng phải làm rõ 2 vấn đề: Cơ sở quyền lực nhà nước, cơ sở kinh tế của vùng, nguồn lực và động lực. Sau đó cần tính đến thể chế cho vùng trọng điểm phải vượt trội như thế nào, đặc biệt là với vùng trọng điểm phía Nam”, PGS. TS. Trần Đình Thiên lưu ý.
Vị trí chiến lược và tầm quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm 8 tỉnh, thành phố, trong đó có TP HCM ngày càng được khẳng định. Vùng này đang có mức tăng trưởng kinh tế gấp 1,5 lần mức bình quân của cả nước, chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 60% ngân sách quốc gia, thu hút hơn 60% số dự án và 50% số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Do đó, nếu liên kết vùng chặt chẽ hơn, có cơ chế chính sách riêng và cụ thể hơn thì sự đóng góp của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cho đất nước chắc chắn còn cao hơn./.