Liên kết kinh tế vùng - địa phương “mạnh ai nấy làm”
Mặc dù vùng kinh tế đang đóng góp lớn về tăng trưởng GDP, nhưng do quy hoạch chưa thống nhất, liên kết còn thiếu chặt chẽ, các địa phương vẫn “mạnh ai nấy làm” dẫn đến đầu tư dàn trải, giảm sức cạnh tranh của vùng kinh tế.
Thực trạng này được đưa ra tại Hội thảo Khoa học “Phát triển kinh tế vùng: Những vấn đề đặt ra về cơ chế chính sách” do Viện Chiến lược và chính sách tài chính – Bộ Tài chính tổ chức sáng 14/12 tại Hà Nội.
Đã có xu hướng tỉnh nào cũng muốn có cảng biển, sân bay, nhà máy xi măng, thủy điện (Ảnh minh họa: KT) |
Từ năm 2009 đến nay, cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm gồm Bắc bộ, miền Trung, Phía Nam và ĐBSCL, chiếm gần 28% diện tích và hơn 50% dân số cả nước. Vùng kinh tế trọng điểm đóng góp đang kể trong tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỷ trọng GDP của các vùng kinh tế trọng điểm so với cả nước tăng đáng kể từ 51% năm 2003 lên khoảng 70% GDP giai đoạn 2010-2015.
Mặc dù vậy, một số ý kiến tại hội thảo cho rằng, tăng trưởng kinh tế vùng còn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thô, chưa theo chiều sâu. Quy hoạch kinh tế vùng chưa thống nhất, liên kết vùng còn yếu, thiếu định hướng chiến lược dẫn đến nhiều trường hợp đầu tư trùng lắp, lãng phí và giảm sức cạnh tranh của vùng. Các vùng kinh tế trọng điểm chưa phát huy vai trò đầu tàu, có tác dụng lan tỏa.
Một điều đáng lo ngại là hiện nay, nhiều địa phương không liên kết đầu tư, “mạnh ai nấy làm”. Địa phương nào cũng muốn mình vượt lên trước. Bởi vậy, tỉnh nào cũng muốn có cảng biển, sân bay, nhà máy xi măng, thủy điện…Tuy nhiên, nhiều dự án đầu tư nhưng không phát huy hiệu quả. Có nhhững cảng biển đầu tư xong chỉ sử dụng 30-40% công suất.
PGS.TS. Nguyễn Đình Tài, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và quản lý doanh nghiệp cho rằng, chính sự phát triển như thế này đã hạn chế lợi của thế địa phương và ảnh hưởng phát triển kinh tế vùng.
“Vì các địa phương có quy hoạch giống nhau nên đã tạo ra sự cạnh tranh giữa các tỉnh, thành. Các địa phương thi nhau trải thảm đỏ mời gọi đầu tư qua nhiều hình thức như giảm thuế giảm giá thuê đất, thậm chí cả giảm điều kiện môi trường. Tình trạng này khiến lợi ích tổng thể giảm sút ở cấp độ quốc gia cũng như từng vùng kinh tế”, ông Tài chỉ rõ.
Các chuyên gia cũng cho rằng, trình tự quy hoạch cũng lộn xộn giữa các cấp và giữa các ngành. Có tình trạng quy hoạch cấp vùng chưa xong thì các các tỉnh đã xong quy hoạch. Các địa phương làm quy hoạch cũng không xem xét đến quy hoạch của tỉnh, thành lân cận. Điều này dẫn đến tình trạng vùng nguyên liệu sản xuất và các nhà máy chế biến của tỉnh khác không được tính đến trong quy hoạch của địa phương.
Để khắc phục những bất cập này, cần sớm khôi phục và thành lập Ban chỉ đạo phát triển vùng, nhằm giám sát thực hiện quy hoạch và kế hoạch phát triển vùng. Vấn đề lớn nhất hiện nay là quy hoạch, cần hoàn thiện các quy hoạch chuyên ngành cho không gian phát triển kinh tế xã hội, nhất là quy hoạch sử dụng đất, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư; quy hoạch mạng lưới giao thông gắn kết với các hệ thống vành đai các khu, cụm công nghiệp…
Cần thiết phải nghiên cứu và ban hành Luật Quy hoạch để xác định trọng tâm và quy mô kinh tế vùng. Ngoài ra cần xây dựng cơ chế tài chính đặc thù. Có thể xem xét nghiên cứu thành lập quỹ phát triển vùng, có sự giám sát chặt chẽ, tạo nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế vùng.
TS Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, cần phải có quy hoạch tổng thể và phải có sự liên kết với nhau, liên kết giữa Trung ương và địa phương, liên kết giữa các bộ ngành, trong đó cần có sự hỗ trợ về phát triển hạ tầng giao thông.
“Giữa các khu cũng phải liên kết với nhau mới phát triển được cả nền kinh tế. Trong khi đó chính sách tài chính cũng cần nghiên cứu, hoàn thiện. Hiên nay chưa có chính sách tài chính riêng cho từng vùng kinh tế. Chẳng hạn chính sách thu thuế, chỉ quy định chung với các doanh nghiệp, chỉ những địa bàn khó khăn mới ưu đãi, chứ chưa mang tính chất ưu đãi cho phát triển kinh tế vùng”, ông Lợi chỉ rõ./.