Làng "tỷ phú" ở một xã nghèo
Những "tỷ phú" xuất khẩu lao động
Trong căn nhà 2 tầng mới xây khang trang với kinh phí gần 1 tỷ đồng, anh Thành không giấu được niềm vui vì thành quả lao động của anh đã được cụ thể hóa bằng một cơ ngơi hoành tráng vốn là mơ ước của bao người tại một xã nghèo.
8 năm trước, thu nhập của một thợ cơ khí chỉ đủ để gia đình anh đắp đổi qua ngày. Vì vậy, anh Thành quyết tâm đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc với ước mơ đổi đời. "Mới đầu qua đó gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa nhưng mình cố gắng hòa nhập để làm việc thật tốt", anh Thành cho biết.
Ngôi nhà khang trang của anh Cao Ngọc Thành (bên phải) |
Theo anh Thành, chủ lao động Hàn Quốc rất quý tính cần cù, chịu khó của lao động Việt Nam. Vì vậy những ai siêng năng đều được tạo điều kiện tốt nhất để làm việc và được nâng lương thường xuyên. Với vai trò thợ cơ khí trong một xưởng sửa chữa máy móc, anh Thành có mức lương khởi điểm 20 triệu đồng/tháng. Chỉ sau 1 năm làm việc, mức lương của anh đã tăng lên 40 triệu đồng/tháng.
"Nhiều anh em trong thôn qua đó làm ngư dân đánh bắt xa bờ được trả lương 60 triệu mỗi tháng. Chỉ cần siêng năng, chịu khó tích góp vài năm là có vốn về quê sinh sống", anh Cao Ngọc Thành chia sẻ.
Cách nhà anh Thành không xa, anh Nguyễn Minh Cường (thôn Kỳ Xuyên) cũng vừa về nước sau khi hết thời hạn hợp đồng lao động ở Hàn Quốc. Không bằng cấp, không nghề nghiệp chuyên môn nên anh Cường đăng ký công việc phụ làm vườn trong các nông trại.
Với bản tính siêng năng ham học hỏi, chỉ sau một thời gian ngắn thử việc, anh được nhận làm công nhân chính thức với mức lương ban đầu khoảng 30 triệu đồng/tháng. Anh Cường tâm sự: "Được trả lương cao, công việc cũng không cực khổ mấy, vì vậy tôi quyết tâm làm việc kiếm tiền gửi về quê".
Nói là phụ làm vườn nhưng ở Hàn Quốc ngành nông nghiệp đã được cơ giới hóa rất nhiều, người lao động không phải "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Để tham gia vào quá trình sản xuất theo dây chuyền với nhiều máy móc hiện đại, người lao động phải tuân thủ giờ giấc, làm việc theo kỷ luật.
Anh Cường cho biết, làm việc ở Hàn Quốc cơ chế thưởng phạt rất rõ ràng, vì vậy người lao động phải xác định tư tưởng làm thật tốt, không vi phạm kỷ luật mới được hưởng mức lương cao. Cũng có nhiều lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm nhưng không tuân thủ kỷ luật, lại muốn kiếm tiền thật nhanh nên trốn ra ngoài làm chui, vừa cực khổ lại dễ bị trục xuất về nước.
"Chỉ cần siêng năng, thực hiện đúng hợp đồng ký kết với chủ sử dụng lao động là lương, thưởng tăng đều đều. Sau một thời gian lao động nghiêm túc, vợ chồng tôi cũng tích góp được kha khá. Giờ có vốn rồi tôi về quê lập nghiệp. Bên đó tuy lương cao, công việc cũng nhẹ nhàng nhưng xa quê buồn lắm", anh Nguyễn Minh Cường chia sẻ.
"Quả ngọt" ở xã nghèo
Xã Tịnh Kỳ thuộc diện xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển của tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên 3 năm trở lại đây, đời sống của một bộ phận người dân đã khá hơn trước do gặt hái "quả ngọt" từ phong trào xuất khẩu lao động. Những làng chài nghèo khó bên bờ biển ngày nào giờ đã thay da, đổi thịt với hàng loạt nhà cao tầng mọc lên san sát.
Những ngôi nhà cao tầng san sát mọc lên tại "làng tỷ phú" Kỳ Xuyên. |
Ông Trần Đình Tiến - Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ - thông tin, từ năm 2010 đến nay, xã Tịnh Kỳ có trên 300 người tham gia lao động tại Hàn Quốc, trong đó số lao động của thôn Kỳ Xuyên chiếm trên 40%. Đa phần lao động của địa phương đăng ký đi Hàn Quốc làm thợ cơ khí, thợ máy tàu biển và tham gia đánh bắt xa bờ. Mức lương trung bình của mỗi lao động đạt trên 25 triệu đồng/tháng. Riêng tại "làng tỷ phú" Kỳ Xuyên có nhiều gia đình đến 5 - 6 người cùng đi xuất khẩu lao động.
"Ước tính mỗi năm người dân trong xã có nguồn thu từ xuất khẩu lao động trên 60 tỷ đồng. Nhờ vậy đời sống của nhân dân ngày càng khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm. Với những kết quả này đến cuối năm 2017, xã Tịnh Kỳ sẽ đăng ký thoát khỏi diện xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển", ông Trần Đình Tiến phấn khởi nói.