Ký ức hào hùng của người lính từng tham gia trận đánh ở cửa ngõ Sài Gòn
Đại tá Trịnh Xuân Ứng (sinh năm 1937, ở thôn Hành Cung, xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) đã tham gia trận chiến đấu ngày 30/4/1975. |
Hàng năm, cứ vào độ tháng Tư về, những ký ức hào hùng về ngày toàn thắng lại tràn về trong tâm trí Đại tá Trịnh Xuân Ứng (sinh năm 1937), thôn Hành Cung, xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Ở độ tuổi 81 với 35 năm tuổi quân và 58 năm tuổi Đảng, nguyên Cục trưởng Cục Hậu cần Quân đoàn 2, Đại tá Trịnh Xuân Ứng vẫn còn rất minh mẫn với giọng nói hào sảng và tác phong nhanh nhẹn.
Trong cả quãng đời tham gia chiến đấu vì nền độc lập của đất nước, Đại tá Ứng đã tham gia hơn 40 trận đánh, song đối với ông, trận chiến đấu ngày 30/4/1975 là trận đánh mà ông ghi nhớ sâu sắc nhất và đem lại cho ông nhiều cảm xúc nhất.
Đại tá Ứng cho biết, năm 1975, trước trận đánh lịch sử ngày 30/4, từ cuối tháng Ba, Trung đoàn pháo binh 84, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 của ông đã trực tiếp chi viện cho hai sư đoàn của Quân đoàn 2 chiến đấu giải phóng Thừa Thiên Huế. Tiếp đến, Trung đoàn 84 tiếp tục phối hợp với các đơn vị đánh chiếm các mục tiêu quan trọng, giải phóng Đà Nẵng, sau đó chi viện cho bộ binh giải phóng Phan Rang và giải phóng Phan Thiết vào những ngày giữa tháng Tư. Với khí thế tiến công thần tốc, táo bạo, những ngày cuối tháng 4/1975, Trung đoàn 84 đã chi viện hiệu quả cho các đơn vị bộ binh của sư đoàn đánh chiếm một số căn cứ của địch trên sông Đồng Nai. Toàn lực lượng đã chuẩn bị sẵn sàng cho trận đánh cuối cùng.
Là người trực tiếp chỉ huy đơn vị triển khai hỏa lực chi viện cho bộ binh Sư 35 vượt sông Đồng Nai tiến vào Quận 9 Sài Gòn vào sáng 30/4/1975, Đại tá Trịnh Xuân Ứng khi đó là Tham mưu trưởng Trung đoàn 84 coi đó là trận đánh “pháo đối hạm” hiệp đồng binh chủng xuất sắc của quân đội ta.
Đại tá Ứng nhớ lại: “Đêm 29/4, tôi được Sư đoàn trưởng gọi lên giao nhiệm vụ sáng hôm sau trực tiếp chỉ huy Trung đoàn triển khai hỏa lực chi viện cho bộ binh và bằng mọi giá phải vượt được sông Đồng Nai để tiến thẳng vào Quận 9 Sài Gòn. Đây là nhiệm vụ khó khăn bởi sông Đồng Nai rộng hơn 800m nước chảy xiết, chưa kể hỏa lực rất mạnh của địch ở căn cứ hải quân Cát Lái trên sông với hàng nghìn lính thủy, hàng trăm tàu xuồng chiến đấu”.
Sáng 30/4/1975, theo đúng kế hoạch, khi lực lượng của ta vượt sông dưới sự hỗ trợ của 10 khẩu pháo lớn đã gặp phải sự bắn phá ác liệt của lực lượng pháo binh địch. Khi tàu của ta vừa ra đến giữa dòng sông, địch trong căn cứ hải quân Cát Lái liền nổ súng đánh chặn, đồng thời cho 3 tàu chiến xuất kích ra bịt đường. Là người chỉ huy pháo binh, Tham mưu trưởng Trung đoàn 84 Trịnh Xuân Ứng lệnh cho các đơn vị pháo của trung đoàn hạ nòng bắn ngắm trực tiếp vào các tàu địch.
Chỉ trong chớp nhoáng, 3 tàu chiến chở bộ binh địch đã bị ta bắn chìm tại chỗ. Ngay sau đó, địch tập trung lực lượng, mở cuộc phản kích, điều động nhiều tàu chiến bắn tới tấp. Trước sự tấn công dồn dập của địch, các chiến sĩ Trung đoàn 84 vẫn bình tĩnh đánh trả. Kết quả là thêm 5 tàu chiến của địch bị nhấn chìm tại chỗ. Chưa đầy hai giờ mở trận "pháo đối hạm”, hàng chục tàu địch bị ta bắn chìm, bắn hỏng khiến quân địch hoang mang và vội vã quay đầu tháo chạy. Thắng lợi của pháo binh ta đã tạo được thời cơ cho Trung đoàn bộ binh 101 vượt sông. Lúc đó, nhân dân địa phương vùng ven sông Đồng Nai liền đưa thuyền bè tới giúp chở bộ đội vượt sông và nhanh chóng đánh chiếm được căn cứ hải quân Cát Lái.
Vượt sông thành công, các đơn vị bộ binh tiến vào Quận 9, cùng các lực lượng tiêu diệt địch nhanh chóng. Sau gần 1 giờ đồng hồ chiến đấu, Đại tá Ứng cùng các đồng đội thấy tiếng súng giảm dần và ngay sau đó nhận được thông tin Tổng thống Dương Văn Minh đã xin đầu hàng trên Đài phát thanh Sài Gòn.
Niềm vui, niềm hạnh phúc như vỡ òa trong ông và các đồng đội, mọi người cùng đứng dậy đồng thanh hô lớn “hòa bình rồi”. Khi đó, ông đã được chứng kiến người dân tràn ra ngập đường phố, tay cầm cờ giải phóng, cờ đỏ sao vàng, ảnh Bác Hồ hô to “Hoan hô quân giải phóng”, không khí vô cùng náo nhiệt và nhiều cảm xúc.
“Người dân khi đó tràn xuống đường, bắt tay bộ đội, có cả nụ cười và những giọt nước mắt. Khi đó tôi lên xe đi cùng đồng đội, kính xe mở tôi đưa tay ra ngoài bắt tay mọi người dân mình gặp. Sau khi bắt tay một người phụ nữ khoảng 50 tuổi tay bên kia vẫn đang cầm cờ giải phóng tôi liền hỏi “Má ơi, cờ giải phóng may bao giờ mà hôm nay nhiều thế?”. Người phụ nữ liền xúc động trả lời “Chú ơi, cờ giải phóng được may từ khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập, hôm nay mới được mang ra đấy chú ạ”. Câu nói thật thà, chất phác nhưng chứa đựng sự tin tưởng, sự kiên trì chờ đợi và tấm lòng son sắt của người dân Việt Nam khiến cảm xúc trong tôi vỡ òa”, Đại tá Ứng bồi hồi nhớ lại.
Ông Lê Đức Nhã, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư tâm sự: “Lần nào nghe Đại tá Ứng kể lại trận đánh lịch sử ngày 30/4/1975 tôi cũng khóc, tâm trạng giống như chính mình đang tham gia trận đánh hào hùng năm nào. Sau khi nghỉ hưu, Đại tá Ứng vẫn rất nhiệt tình tham gia các hoạt động ở địa phương, đặc biệt là của Hội Cựu chiến binh. Đại tá đã mang những câu chuyện mà chính bản thân trải qua, chứng kiến trong những năm tháng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc để kể lại cho thế hệ trẻ sau này thông qua các chương trình giao lưu, kể chuyện lịch sử ở các bậc học trên địa bàn huyện. Từ đó để thế hệ trẻ biết đến sự hy sinh của lớp cha ông đi trước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, phấn đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu mạnh hơn”.