Kiên Giang: 35 ngày lãi 9 triệu nhờ cách trồng dưa leo đơn giản thế này
Nhằm hỗ trợ nông dân trồng màu theo hướng an toàn, giảm chi phí sản xuất, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh (Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang) đã triển khai mô hình trồng dưa leo theo hướng an toàn tại 5 hộ chuyên sản xuất rau màu ở khu phố 5, thị trấn Thứ Ba (huyện An Biên).
Sau thời gian thực hiện, nông dân tham gia mô hình cho biết, việc sản xuất dưa leo theo hướng an toàn giúp giảm chi phí, lợi nhuận gần 9 triệu đồng/1.000m2/vụ (35 ngày), tăng 1,2 triệu đồng so trước đây.
Nông dân tăng lợi nhuận 1,2 triệu đồng/1.000m2/vụ nhờ trồng dưa leo theo hướng an toàn. Ảnh: NQ. |
Ông Danh Sum, ngụ khu phố 5, thị trấn Thứ Ba, một trong 5 hộ tham gia mô hình trồng dưa leo theo hướng an toàn, cho biết: “Tôi thấy sử dụng phân bón vi sinh bón lót, bón thúc giúp đất được cải tạo, cây phát triển tốt sau khi xuống giống. Nhờ đó dưa phát triển nhanh, lá xanh lâu, ít sâu bệnh, giảm được 20% chi phí phân bón và 4 lần phun xịt thuốc bảo vệ thực vật cho dưa leo so với lúc sử dụng phân hóa học”.
Cũng theo ông Sum, rẫy dưa leo của gia đình đang vào đợt thu hoạch trái, hiện dưa leo bán giá 8.000 đồng/kg, ước thu hoạch hết 800m2 đất trồng dưa leo, thu về gần 8 triệu đồng lợi nhuận.
Nông dân thay đổi cách trồng giúp dưa khỏe mạnh, trái to và nhiều hơn. Ảnh: NQ. |
Thay vì dùng rơm để phủ gốc dưa leo, vụ dưa này ông Sum thay thế bằng màng phủ nông nghiệp, từ đó giúp hạn chế cỏ dại, nhẹ công tưới nước. Khoảng cách hàng cách hàng cũng được ông Sum thay đổi từ 2 tấc thành 5 tấc, cây cách cây 4 tấc giúp dây dưa khỏe mạnh, trái to và nhiều hơn. Sau khi trồng, ông còn được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tỉa bỏ những chồi yếu, sâu bệnh, lá già sát mặt đất nhằm tạo điều kiện cho giàn dưa thông thoáng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bil, cán bộ Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh, mô hình trồng dưa leo theo hướng an toàn được thực hiện tại 5 hộ chuyên sản xuất rau màu ở khu phố 5, thị trấn Thứ Ba với quy mô 5.000m2; mức hỗ trợ 100% giống và 30% vật tư nông nghiệp, tương đương 2,2 triệu đồng/điểm 1.000m2. Ngoài ra, để hỗ trợ bà con thiếu vốn sản xuất, Trung tâm còn phối hợp doanh nghiệp bán giống, vật tư nông nghiệp cho nông dân tham gia mô hình trả chậm với giá ưu đãi.
Đoàn cán bộ Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh và bà con trong khu phố 5 đến tham quan mô hình trồng dưa leo theo hướng an toàn của ông Danh Sum. Ảnh: NQ. |
“Kỹ thuật canh tác rau màu theo hướng an toàn, sử dụng sản phẩm sinh học cùng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp đã giúp bà con tham gia mô hình giảm được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và dư lượng nitrat trong trái dưa, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đây là định hướng Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo xuyên suốt trong thời gian qua nhằm khuyến khích nông dân chuyển sang sản xuất nông nghiệp sạch, nâng cao khả năng cạnh tranh” - ông Bil cho biết.