Kiên Giang phát triển các khu công nghiệp và khu đô thị ven biển
Thu mua cá tại cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành, Kiên Giang. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Kiên Giang tập trung đầu tư phát triển các khu công nghiệp và khu đô thị ven biển, khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang, trên cơ sở định hướng chiến lược các vùng biển, phê duyệt nhiều quy hoạch khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển, tỉnh phát triển các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch.
Tỉnh tập trung xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư vào 3 khu công nghiệp Thạnh Lộc (Châu Thành), Thuận Yên (Hà Tiên), Xẻo Rô (An Biên); hình thành, phát triển các cụm công nghiệp: Vĩnh Hòa Hưng Nam (Gò Quao), Lình Huỳnh (Hòn Đất), Bắc Vĩnh Hiệp (Thành phố Rạch Giá), Hà Giang (Thành phố Hà Tiên) và một số cụm công nghiệp ở những nơi có điều kiện.
Những khu, cụm công nghiệp này kêu gọi đầu tư phát triển các ngành có lợi thế, đóng góp nhiều cho tăng trưởng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Cụ thể như phát triển ổn định công nghiệp vật liệu xây dựng, gắn với sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái; chế biến nông-thủy sản, cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp phụ trợ, cơ khí-đóng, sửa chữa tàu, chế biến thực phẩm, vật liệu mới; công nghiệp sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày da, điện tử...
Trước mắt, tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp hiện có, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đủ tiềm lực đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chế biến có khả năng cạnh tranh, phục vụ tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Đến nay, 2 khu công nghiệp Thạnh Lộc và Thuận Yên có 25 dự án đăng ký đầu tư, với tổng diện tích gần 152ha, trong đó 22 dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đăng ký hơn 6.000 tỷ đồng.
Tiếp đến, tỉnh Kiên Giang phát triển các khu khu đô thị ven biển trên cơ sở nâng cấp mở rộng các đô thị hiện có và xây dựng mới cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại theo mô hình, tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh.
Cáp treo trên đảo Phú Quốc. (Ảnh: Le Sen/TTXVN)
Cụ thể, xây dựng đảo Phú Quốc trở thành thành phố du lịch biển-đảo tầm cỡ quốc gia và khu vực, phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng mang tầm quốc tế; hình thành, phát triển đô thị huyện đảo Kiên Hải; xây dựng thành phố Rạch Giá là một trong 4 đô thị vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, trung tâm thương mại đầu mối cấp vùng, trung tâm kinh tế biển; xây dựng Thành phố Hà Tiên trở thành đô thị kinh tế cửa khẩu quốc tế, trung tâm văn hóa-du lịch lớn của tỉnh và khu vực; xây dựng huyện Kiên Lương là đô thị-công nghiệp có quy mô lớn, hiện đại, trung tâm du lịch cấp tỉnh.
Tỉnh tập trung hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hòa, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng biển và hải đảo của tỉnh và các tỉnh lân cận.
Tỉnh phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng biển và ven biển phía Tây Nam Bộ trong xây dựng các mục tiêu, định hướng phát triển để bảo đảm phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bảo đảm tính liên kết vùng và giữa các địa phương.
Tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế biển, đặc biệt là các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển; khuyến khích, thu hút mạnh các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực kinh tế biển, nhất là nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản và các ngành kinh tế biển mới như: khai thác mỏ dưới đáy biển, công nghệ sinh học biển, an toàn và giám sát hàng hải và các ngành biển khác có lợi thế của tỉnh./.
Lê Huy Hải (TTXVN/Vietnam+)