Kiểm định chất lượng AUN - QA: Có phải phương thức đánh giá toàn diện ĐH?
Trao đổi với báo chí, TS. Nghiêm Xuân Huy – Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐH QGHN cho biết, Bộ tiêu chuẩn chất lượng AUN-QA (Tiêu chuẩn chất lượng giáo dục của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á) cấp cơ sở giáo dục (hay còn gọi là cấp trường) được xây dựng trên cơ sở đảm bảo sự tương thích với bộ tiêu chuẩn của Mỹ và Châu Âu, và đã được Bộ trưởng của các nước ASEAN chấp nhận để sử dụng thống nhất trong các trường đại học của các quốc gia thuộc khu vực ASEAN.
Bộ tiêu chuẩn gồm 4 nhóm tiêu chuẩn về các lĩnh vực: đảm bảo chất lượng về chiến lược, đảm bảo chất lượng về hệ thống, đảm bảo chất lượng về chức năng hoạt động, và đảm bảo chất lượng kết quả hoạt động. Bộ tiêu chuẩn này gồm 25 tiêu chuẩn với 111 tiêu chí. Cụ thể như sau:
- Nhóm tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng về mặt chiến lược đánh giá đơn vị theo các khía cạnh: tầm nhìn, sứ mạng đào tạo, văn hóa tổ chức; Quản trị; Lãnh đạo và quản lý; Hoạt động quản trị chiến lược; Các chính sách về đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng; quản lý nguồn nhân lực; quản lý tài chính và cơ sở vật chất; các mạng lưới và quan hệ hợp tác quốc tế.
- Nhóm tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng về mặt hệ thống bao gồm các vấn đề: Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong; Hoạt động đánh giá chất lượng bên trong và bên ngoài; Hệ thống thông tin đảm bảo chất lượng bên trong; Hoạt động nâng cao chất lượng
- Nhóm tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng về mặt thực hiện chức năng, bao gồm 3 mảng chính: Đào tạo (Tuyển sinh và nhập học; Thiết kế và rà soát chương trình dạy học; Giảng dạy và học tập; Đánh giá sinh viên; Các hoạt động phục vụ và hỗ trợ sinh viên); Nghiên cứu (Quản lý nghiên cứu khoa học; Quản lý sở hữu trí tuệ; Hợp tác và đối tác nghiên cứu khoa học); Phục vụ cộng đồng (Kết nối và phục vụ cộng đồng)
- Nhóm tiêu chuẩn Kết quả hoạt động, bao gồm: Kết quả đào tạo; kết quả nghiên cứu khoa học; kết quả đóng góp phục vụ cộng đồng; Kết quả tài chính và thị trường giáo dục.
Theo AUN-QA, đảm bảo chất lượng cấp cơ sở giáo dục cần được bắt đầu từ việc nắm bắt nhu cầu của các bên liên quan và phản ánh những yêu cầu đó trong hệ thống đảm bảo chất lượng chiến lược của đơn vị. Đảm bảo chất lượng chiến lược tiếp tục được chi tiết hóa trong đảm bảo chất lượng hệ thống hoặc hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, cũng như trong đảm bảo chất lượng theo chức năng hoạt động (đào tạo, nghiên cứu, dịch vụ và phục vụ cộng đồng) và các lĩnh vực chiến lược khác do đơn vị xác định.
TS Huy cho rằng, nguyên lý này sẽ quyết định chất lượng của trường đại học, đồng thời giúp không ngừng nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan. Các cơ sở giáo dục cần liên tục xây dựng những giải pháp tối ưu để từng bước đạt đến sự xuất sắc trong đào tạo, nghiên cứu và dịch vụ.
Báo cáo đánh giá của AUN-QA sẽ dựa trên các thông tin được cung cấp trong bản báo cáo tự đánh giá (SAR) của đơn vị, hệ thống minh chứng, kết quả khảo sát thực địa, và phỏng vấn các bên liên quan (lãnh đạo chủ chốt của đơn vị, cán bộ giảng viên, cán bộ hành chính, sinh viên, cựu sinh viên, nhà tuyển dụng). Nguyên tắc đánh giá của AUN-QA là khách quan, công bằng và căn cứ theo minh chứng.
TS Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐH QGHN |
Vậy kết quả đánh giá ngoài AUN cấp đơn vị đối với Trường ĐH KH Tự nhiên, ĐHQGHN cụ thể ra sao, thưa ông?
Theo quy định của AUN-QA, để nhận được chứng chỉ kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục của AUN-QA, trường ĐH Khoa học tự nhiên cần đạt được ít nhất điểm 4 (theo thang điểm 7), cho tất cả các nhóm tiêu chuẩn, bao gồm: đảm bảo chất lượng về chiến lược, đảm bảo chất lượng về hệ thống, đảm bảo chất lượng về chức năng hoạt động, và đảm bảo chất lượng kết quả hoạt động.
Đây là cách đánh giá rất toàn diện, đòi hỏi cơ sở giáo dục phải có sự tuân thủ các tiếp cận quốc tế trong quản trị đại học, cũng như đáp ứng các chuẩn mực cao về chất lượng của khu vực. Trường ĐHKHTN đã đáp ứng được các tiêu chí này.
Đặc biệt, với truyền thống và ưu thế của một trường đại học nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam, lĩnh vực khoa học công nghệ (quản lý khoa học, kết quả nghiên cứu khoa học) của nhà trường đạt mức điểm 5/7, một mức điểm có thể nói là đã vượt lên trên so với mặt bằng chung của khu vực.
Với kết quả của Trường ĐH KHTN đem lại những kinh nghiệm và gợi ý gì đối với vấn đề quản trị và phát triển trường đại học trong bối cảnh hiện nay?
Điều kiện để được AUN-QA tổ chức đánh giá chất lượng cấp cơ sở giáo dục là các trường đại học cần phải có ít nhất 05 chương trình đào tạo đã được đánh giá và công nhận chất lượng bởi AUN-QA. Như vậy, ngay từ ở cấp độ điều kiện kiểm định, AUN đã đòi hỏi các đơn vị phải có những tiếp cận và triển khai hoạt động đào tạo theo các chuẩn mực chất lượng của khu vực.
Tuy là điều kiện mang tính chất “kiểm đếm”, nhưng qua đó cho thấy nếu không có “nội lực” thực sự, không có những giải pháp đảm bảo chất lượng tổng thể, hệ thống thì các đơn vị khó mà đáp ứng được các yêu cầu chất lượng của AUN-QA.
Để tạo lập nền tảng phát triển bền vững theo tiêu chuẩn chất lượng ASEAN, các trường đại học cần nỗ lực củng cố hệ thống đảm bảo chất lượng (bên trong và bên ngoài). Đặc biệt, các trường nên từng bước tích hợp các yêu cầu, quy định về chất lượng của AUN-QA trong công tác quản trị đại học, nghiên cứu, đào tạo, dịch vụ cộng đồng.
Cụ thể, trên cơ sở tiêu chuẩn chất lượng AUN-QA và các tiêu chí tương ứng, các đơn vị có thể nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đo lường chất lượng và tiến hành triển khai rà soát, nhận diện các điều kiện đảm bảo chất lượng của đơn vị theo các tiêu chí và bộ chỉ số này.
Từ kết quả đó, đơn vị sẽ xây dựng và triển khai các giải pháp toàn diện và triệt để ở tất cả các lĩnh vực, các mặt hoạt động nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng, đáp ứng các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng của AUN một cách bền vững.
Ở cấp độ vi mô, các hoạt động, công việc của nhà trường cần được triển khai theo kế hoạch, có kiểm tra đánh giá và cải tiến chất lượng theo chu trình PDCA (P = Plan – lập kế hoạch; D = Do – thực hiện kế hoạch; C = Check – kiểm tra, đánh giá; và A = Action – hành động để điều chỉnh và nâng cao chất lượng).
Đây là cách tiếp cận mà AUN-QA sử dụng trong việc xem xét, đánh giá các hoạt động quản lý, quản trị, đào tạo, nghiên cứu, dịch vụ của trường đại học. Không chỉ đáp ứng yêu cầu của hoạt động kiểm định, quy trình này sẽ giúp các trường đảm bảo chất lượng một cách bền vững và cải tiến chất lượng hiệu quả trước khi tổ chức đánh giá.
Như vậy, để được công nhận chất lượng AUN-QA, đơn vị phải có những nỗ lực đồng bộ và toàn diện. Các tiêu chuẩn trong bộ tiêu chí có mối liên hệ logic chặt chẽ với nhau.
Do vậy, để đáp ứng được yêu cầu của bộ tiêu chuẩn, các mặt hoạt động của trường đại học phải được triển khai đồng bộ, thống nhất và cùng hướng đến sứ mệnh, mục tiêu hoạt động của nhà trường cũng như cam kết của nhà trường đối với xã hội. Riêng một lĩnh vực mạnh (ví dụ: đào tạo) không thể “gánh” thay cho một mặt kém (ví dụ: nghiên cứu) và kết quả sẽ vẫn là không đạt yêu cầu.
Bên cạnh đó, AUN cũng đánh giá cao nỗ lực không ngừng cải tiến chất lượng của cơ sở giáo dục và xem đây là một trong những điểm mạnh cần được khuyến khích đối với các cơ sở giáo dục.
Ông có khuyến cáo gì đối với các đơn vị chuẩn bị đăng ký theo chuẩn AUN?
Để có sự chuẩn bị tốt và triển khai thành công hoạt động đánh giá ngoài theo chuẩn AUN-QA, các trường đại học cần lưu ý:
- Rà soát toàn diện các mặt hoạt động của đơn vị theo các yêu cầu của Bộ tiêu chuẩn chất lượng AUN-QA; trên cơ sở đó, triển khai các hoạt động cải tiến chất lượng và lan tỏa được văn hóa chất lượng đến tất cả các cán bộ, nhân viên, học viên; tiến hành học tập kinh nghiệm và thực hành tốt của các đơn vị đã được đánh giá (cả cấp chương trình đào tạo và cấp đơn vị).
- Đảm bảo được sự thống nhất tuyệt đối và quyết tâm cao độ từ thủ trưởng đơn vị tới các giảng viên, cán bộ và sinh viên trong toàn đơn vị trong suốt quá trình lập kế hoạch, triển khai tự đánh giá và xây dựng báo cáo tự đánh giá. Nắm rõ kế hoạch đánh giá của AUN-QA để tiến hành đăng ký kiểm định đúng tiến độ và lộ trình. Chuẩn bị nguồn lực về con người (đội ngũ chuyên trách) và tài chính phù hợp.
- Thiết lập được cơ chế hợp tác và phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các bộ phận chức năng, các khoa đào tạo và các bên liên quan trong suốt quá trình từ khi lập kế hoạch triển khai đến khi kết thúc hoạt động đánh giá ngoài của đoàn đánh giá.
Lưu ý, sau khi có kết quả báo cáo đánh giá ngoài, tùy theo mức độ đạt được của các tiêu chuẩn, các đơn vị có tối đa 12 tháng để xây dựng kế hoạch hành động cũng như triển khai những hoạt động cần thiết theo khuyến cáo của đoàn đánh giá ngoài để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của AUN-QA. Trên cơ sở đó, đoàn đánh giá ngoài sẽ xem xét, xác nhận và đề nghị AUN-QA cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.
- Triển khai các hoạt động tập huấn, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ chuyên trách về đảm bảo chất lượng và nhóm công tác triển khai hoạt động đánh giá ngoài theo chuẩn AUN-QA. Mục tiêu là để các nhân sự có liên quan nắm được rõ ràng, tường minh nội hàm và các chỉ số, chỉ báo của từng tiêu chí chất lượng của Bộ tiêu chuẩn. Từ đó sẽ có những hướng dẫn, trợ giúp và tác nghiệp phù hợp, hiệu quả cho các bên liên quan trong quá trình triển khai tự đánh giá và đánh giá ngoài.
Trân trọng cám ơn ông!