Không nên để trường ngoài công lập “tự bơi”
Chính phủ vừa gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).
Một trong những điều đáng chú ý mà Dự thảo đưa ra là tại Điều 18 của Luật Giáo dục (sửa đổi) đề cập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục. Theo đó, về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục có 2 nhóm ý kiến. Đa số ý kiến đề nghị dự thảo Luật phải bổ sung thêm quy định về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trong dự thảo Luật.
Việc thành lập trường đại học ngoài công lập phải đảm bảo chất lượng đào tạo để không ảnh hưởng tới người học (Ảnh minh họa) |
Một số ý kiến khác cho rằng, không cần thiết có một điều, khoản riêng về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trong dự thảo Luật vì đã có các quy định cụ thể về quy hoạch trong Luật Quy hoạch và các luật khác.
Đề cập vấn đề này, Chính phủ tiếp thu ý kiến đa số của nhân dân như nhóm ý kiến thứ nhất, sẽ bổ sung một điều trong dự thảo Luật quy định về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, với Dự thảo như trên thì khi thực hiện xã hội hóa giáo dục, nếu tổ chức, cá nhân nào muốn thành lập trường ngoài công lập lại phải xin điều chỉnh quy hoạch. Đây là điều bất cập, không có lợi cho phát triển giáo dục và thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục.
Vậy chúng ta phải làm gì để khuyến khích các tổ chức, nhân dân tham gia tích cực vào công tác xã hội hóa nhưng vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục?
Địa phương phải xem xét kỹ việc thành lập trường ngoài công lập
GS.TS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng cho biết, nhà trường được thành lập đến nay đã 21 năm, đúng vào thời điểm Chính phủ kêu gọi mạnh mẽ xã hội hóa giáo dục nên có nhiều đơn vị, cá nhân tham gia vào việc mở trường.
Cho đến nay, cả nước có 168 trường ĐH ngoài công lập. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, nhiều trường đã và đang tích cực góp phần vào việc xã hội hóa giáo dục, đáp ứng nguyện vọng học tập của các đối tượng, tầng lớp nhân dân trong xã hội.
GS.TS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng |
Theo GS.TS Trần Hữu Nghị, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi vẫn đang được lấy ý kiến của xã hội nên nhà trường cũng đang nắm bắt thông tin về hoạt động của trường ngoài công lập để có sự chuẩn bị, bắt kịp với những yêu cầu mới.
Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng thì việc thành lập trường ngoài công lập phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với các quy định của Luật Quy hoạch.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục phải do địa phương quản lý. Ví dụ như tại cùng một địa bàn, chính quyền địa phương đã cho một trường ngoài công lập hoạt động rồi thì có thể xem xét kỹ không cho trường khác thành lập nữa.
Ngoài ra, GS.TS Trần Hữu Nghị cũng đề xuất, việc chuyển đổi từ trường dân lập sang tư thục đã thực hiện 10 năm nay nhưng một số trường vẫn chưa chuyển đổi sang được. Vì vậy, cần có giải pháp để chuyển đổi những trường dân lập chưa thực hiện được vì nhiều lý do như giải quyết mâu thuẫn tranh chấp, quyền lợi giữa chủ đầu tư, quyền lợi của người lao động, quyền lợi của tập thể nhà đầu tư sáng lập.
Để các trường ngoài công lập “tự bơi” sẽ để lại hậu quả khôn lường
Thời gian qua, nhiều trường ngoài công lập hoạt động chủ yếu vào việc thu và tăng học phí nhưng lại không chú trọng đến chất lượng đào tạo nên gây lãng phí cho gia đình sinh viên và nguồn nhân lực xã hội. Chính sự bất cập này đã khiến dư luận xã hội phản ứng và Bộ GD-ĐT phải siết chặt việc cho phép thành lập các trường ngoài công lập.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam |
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đưa ra quan điểm, khi Nhà nước cho các trường tư thục, ngoài công lập hoạt động thì không có nghĩa là để họ “tự bơi” mà cần có sự quan tâm, tạo điều kiện để các trường hoạt động như có thể tạo thuận lợi cho Hội đồng trường thuê đất đai xây dựng trường với giá hữu nghị, hỗ trợ họ vay tiền ngân hàng với lãi suất thấp để mua sắm trang thiết bị dạy học, tìm kiếm giảng viên giỏi...
Xã hội hóa giáo dục khác với lĩnh vực kinh tế là phải chú trọng đến chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy, các trường ngoài công lập hoạt động cũng phải dựa trên nguyên tắc này.
Nếu để các trường “tự bơi” thì có thể dẫn đến hiện tượng họ phải tăng học phí để trang trải hoạt động. Điều này cũng sẽ dẫn đến phản ứng của xã hội khi đề cập việc tăng học phí nhưng chất lượng không đảm bảo. Khi các trường không hoạt động được hoặc chất lượng không đạt yêu cầu đề ra thì sẽ để lại hậu quả nặng nề, khôn lường như có thể rơi vào tình trạng giải thể, việc đào tạo sẽ cầm chừng, sinh viên có nguy cơ phải dừng học tập hoặc chuyển sang trường khác...
Ngoài ra, các địa phương cần lưu ý là khi cấp phép để các trường ngoài công lập thành lập thì cần phải tính toán xem khi có trường đó ở địa bàn mình sẽ có ích lợi gì cho nhân dân, có phù hợp không. Nếu cho phép thành lập trường hoạt động thì phải đảm bảo những yếu tố về cơ sở chất, đội ngũ giáo viên...
Theo GS.TS Phạm Tất Dong, trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi cần ghi rõ những điều kiện để thành lập trường ngoài công lập và những chính sách cần thiết để các trường có thể hoạt động được.
Việc tạo điều kiện cho các trường thành lập cũng song hành với kiểm định chất lượng giáo dục chặt chẽ, tránh để lại phản ứng xấu, ảnh hưởng tới người học./.