Luật Giáo dục sửa đổi: Còn nhiều ý kiến khác nhau về lựa chọn sách
Sáng nay (4/4), tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, góp ý về 3 dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 gồm dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.
Trong sáng nay, các đại biểu thảo luận dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) về các nội dung xây dựng một chương trình, một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước, đồng thời đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ thực hiện kỳ thi tuyển sinh vào cao đẳng, đại học.
Ảnh minh họa |
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, hiện nay quy định về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong Dự án Luật đã cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Theo đó, việc giảng dạy và học tập phổ thông, chuyển từ nền giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.
Thảo luận về nội dung xây dựng một chương trình, một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước, đại biểu Tô Văn Tám, đoàn Kom Tum, cho rằng: đối với môn học khoa học tự nhiên thì mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa, còn môn khoa học xã hội chỉ nên có 1 sách giáo khoa thống nhất.
“Quy định mỗi môn học có 1 hoặc 1 số sách sách giáo khoa. Vấn đề này, đối với khoa học tự nhiên thì các môn học tự nhiên có những vấn đề, nội dung như các định lý, định luật, các nguyên lý trong giáo dục tự nhiên thì các quốc gia giống nhau. Nước ta cũng giống như vậy. Cho nên đối với môn khoa học tự nhiên thì một môn học tự nhiên như thế có thể có 1 bộ hoặc nhiều bộ sách giáo khoa. Đối với môn khoa học xã hội thì ngoài những nét chung của xã hội loài người thì môn khoa học xã hội được mặc định đặc thù bởi tâm lý, lịch sử dân tộc… đối với Khoa học xã hội nên thống nhất 1 sách giáo khoa", đại biểu Tô Văn Tám nói.
Các đại biểu đề nghị thể hiện rõ hơn các quy định về mục tiêu, nội dung, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, bảo đảm tính khả thi và tránh lãng phí. Theo đại biểu Trần Văn Lâm, đoàn Bắc Giang, dự án Luật cần có hướng dẫn cụ thể trong lựa chọn sách giáo khoa ở mỗi địa phương, mỗi vùng miền và loại hình nhà trường.
“Việc lựa chọn như thế nào? Cấp nào? cơ quan nào có quyền lựa chọn để sử dụng ổn định phù hợp thì là vấn đề đặt ra tiếp theo. Nếu quy định như dự thảo Luật thì cơ sở giáo dục (mỗi trường) chủ động lựa chọn sách giáo khoa thì phức tạp, rối loạn. Học sinh chuyển trường, chuyển vùng phải thay sách, chuyển vùng cũng thay sách, trong 1 huyện xã có nhiều trường, mỗi trường có 1 sách khác nhau thì sẽ rất phức tạp và khó khăn. Sau này nếu quy định, liệu có hiện tượng xúc tiến thương mại để bộ sách của mình dạy trong nhà trường không?", đại biểu Trần Văn Lâm nêu ý kiến.
Theo các đại biểu, nội dung sách giáo khoa, ngoài việc cung cấp kiến thức thì phải có chiều sâu, giáo dục nhân cách, lòng yêu nước, phát huy truyền thống, bản sắc dân tộc.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang đoàn Quảng Ngãi kiến nghị cần thành lập Hội đồng cấp Quốc gia về biên soạn sách giáo khoa: “Để phát triển con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa đúng hướng, đây thực sự là vấn đề chiến lược, hệ trọng đối với chủ nhân tương lai của đất nước. Do vậy, cần phải có sách giáo khoa do Hội đồng cấp quốc gia và do Chính phủ thành lập biên soạn. Sử dụng được nhiều lần và áp dụng thống nhất trong cả nước, có khoảng mở 1 số môn để địa phương biên soạn, giảng dậy về đặc thù địa phương. Định kỳ 5 năm, 10 năm thì Hội đồng cấp quốc gia tiến hành rà soát, sửa đổi bổ sung, cải tiến nâng cao với thực tiễn”.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nêu rõ: Theo Nghị quyết 29 và Nghị quyết 88 của Quốc hội quy định một chương trình có một số sách giáo khoa, thảo luận kỹ tại Quốc hội khóa trước và đã thống nhất 1 chương trình có một số sách giáo khoa cho những môn có cơ sở. Nghị quyết 88 viết rõ sách giáo khoa là tài liệu cơ bản, quan trọng. Những người viết sách giáo khoa phải bám sát khung chương trình và khung chương trình nhất quán trong toàn quốc.
“Bộ đã có Thông tư hướng dẫn những người được viết sách giáo khoa. Sau khi viết xong có sách giáo khoa đúng quy trình, quy định thì Bộ thành lập Hội đồng thẩm định sách giáo khoa, được thì mới ban hành. Để chủ động cho việc thực hiện đổi mới theo Nghị quyết 51 từ sang năm đối với lớp 1. Bộ chỉ đạo biên soạn với các bộ của tổ chức cá nhân khác đều bình đẳng như nhau, và được thẩm định dựa trên khung chương trình, chương trình sách giáo khoa và Hội đồng sách giáo khoa. Như vậy, không có chuyện mỗi sách 1 kiểu, mỗi nơi 1 kiểu”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Cũng tại hội nghị, một số ý kiến đại biểu đề nghị xem xét bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ thực hiện kỳ thi tuyển sisnh vào cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị vẫn giữ kỳ tốt nghiệp THPT và giao các địa phương thực hiện.
Nêu giải pháp về xét tốt nghiệp THPT và phải tổ chức thi tuyển Đại học, đại biểu Phạm Văn Hòa đoàn Đồng Tháp phân tích: "Thi tốt nghiệp Trung học phổ thông giờ đạt gần 100% thí sinh tốt nghiệp, có nhất thiết hay không hay chúng ta chỉ xét tuyển sau khi thi học lớp 10-12 và xét tuyển theo học kỳ và học lực. Vì trung học phổ thông nhu cầu cũng đòi hỏi ngưỡng cửa các em bước vào đời để học cao nên hoặc làm gì phù hợp. Thi mà đạt 99,9% thì thi làm gì cho tốn kém như thời gian qua. Bởi vậy nên cân nhắc thi tốt nghiệp THPT và phải thi tuyển đầu vào đại học, đầu vào phải chắt lọc để tuyển sinh viên giỏi”.
Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông của học sinh, đồng thời điều chỉnh việc dạy học và kiểm tra đánh giá quá trình giáo dục phổ thông; Cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục và tuyển sinh đại học, tạo hành lang pháp lý để thể chế hóa giáo dục thường xuyên trong tương lai. Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này chỉ đặt ra thi tốt nghiệp phổ thông, không quy định phương thức và quy mô tổ chức. Việc tuyển sinh cao đẳng, đại học của các cơ sở giáo dục được thực hiện theo cơ chế tự chủ quy định bởi Luật Giáo dục Đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, hiếm có luật nào được bàn luận sôi nổi như Luật Giáo dục, thể hiện sự quan tâm lớn của đại biểu và toàn dân. Theo Phó Thủ tướng, Luật Giáo dục không đứng riêng được mà phải đứng trong tổng thể các luật khác. Nhiều vấn đề hạn chế, tiêu cực trong ngành thời gian qua, nhưng nhìn lại không phải do luật mà do thực hiện chưa tốt. Luật Giáo dục lần này cần bám vào xu thế thế giới để hội nhập, trong đó có xu thế là không nhồi nhét, phải sáng tạo và tận dụng công nghệ mới./.