Khơi thông dòng chảy kinh tế tư nhân
Các nhà đầu tư tư nhân chưa được đối xử bình đẳng trong quá trình đàm phán và làm việc với cơ quan Nhà nước. Cùng với đó, văn bản pháp lý cũng có sự xung đột nhất định. Nhiều văn bản hành chính Nhà nước thiếu tính thực tiễn. Ví dụ như chính sách lãi vay với dự án BOT trong hơn 1 năm qua, 1 thông tư ban hành được sửa tới 4 lần về cùng một vấn đề. Và điều kỳ lạ là dự thảo lần cuối lại quay về đúng như một thông tư trước đó.
Được coi là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, tạo nhiều công ăn việc làm, đóng góp khoảng 43,22% GDP,... song doanh nghiệp tư nhân (DNTN) vẫn phải chật vật tiếp cận vốn, đất đai, hay các nguồn lực cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cách gì để khơi thông dòng chảy kinh tế tư nhân là yêu cầu bức thiết hiện nay.
Là động lực của nền kinh tế
Tính đến hết ngày 31/8/2018, cả nước có khoảng 600.000 DNTN đang hoạt động, chiếm khoảng 97,5% số DN đăng ký, với tổng số vốn đăng ký chiếm 30% trong tổng số vốn của DN. Chỉ riêng trong năm 2018 cả nước đã có 87.450 DNTN thành lập mới với số vốn đăng ký là 878.627 tỷ đồng (tăng 2,4% về số lượng và tăng 6,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2017). DNTN đóng góp 43,22% GDP và 39% vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra nhiều việc làm, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
Số lượng doanh nghiệp tư nhân đăng ký thành lập mới tăng lên. (Ảnh minh họa) |
GS-TS Nguyễn Mại nhìn nhận, DNTN đã dần trở thành trụ cột của nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khả quan. Có thể nói, DNTN đang trên đà tăng trưởng, số DNTN thành lập mới năm sau nhiều hơn năm trước, số vốn được đưa vào kinh doanh hàng triệu tỷ đồng mỗi năm. DNTN đang là trào lưu sôi động thu hút hàng vạn lớp người trẻ tuổi có ý chí, có hoài bão, có sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm tham gia. Mặc dù tỷ lệ thất bại không nhỏ, nhưng số người trẻ thành đạt ngày càng nhiều, báo hiệu xu thế mới của kinh tế tư nhân nước ta.
Trái ngược với những “ưu ái” mà DNNN được hưởng như: Nguồn vốn, tài nguyên, đất đai, tuyển dụng nhân lực... thì DNTN lại đang chật vật tiếp cận vốn, đất đai... Không chỉ “lép vế” so với DNNN mà còn tồn tại một nghịch lý giữa DNTN và doanh nghiệp FDI. Trong khi các DNTN vẫn loay hoay với hàng loạt câu hỏi: quỹ đất ở đâu, nguồn vốn vay như thế nào và tìm kiếm cơ hội phát triển ra sao... thì các doanh nghiệp FDI thường được trải thảm đỏ ở hầu hết các tỉnh thành. Họ được hưởng nhiều ưu đãi về cơ chế, chính sách như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu tiên trong tiếp cận và sử dụng mặt bằng sản xuất - kinh doanh, miễn thuế nhập khẩu hầu hết các máy móc thiết bị tạo tài sản cố định… Đây là những lợi thế mà bất kỳ DNTN trong nước nào cũng mơ ước. Điều này phần nào tạo ra một môi trường thiếu bình đẳng và các DNTN vốn đã nhỏ, lại càng khó có thể lớn lên.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, lâu nay Chính phủ vẫn luôn ưu tiên hàng đầu cho các DNNN, tiếp đến là trải thảm đỏ cho doanh nghiệp FDI, trong khi những ưu đãi cho khu vực tư nhân gần như không có gì. Hiện cả nước còn khoảng 800 DNNN và nắm giữ tổng khối tài sản lên tới 3 triệu tỷ đồng, tương đương 70% GDP. Với việc nắm giữ lượng tài sản khổng lồ như vậy, nguồn lực còn lại dành cho khu vực kinh tế nhà nước khác như hợp tác xã, đầu tư nước ngoài thì khu vực tư nhân không còn bao nhiêu.
Nhưng chật vật tiếp cận vốn, đất đai
Phải mất nhiều tháng, một DNTN vừa và nhỏ mới có thể hoàn thành được thủ tục vay vốn. Bởi hàng loạt những quy định từ xác nhận tài sản đảm bảo, phương án kinh doanh, giấy phép kinh doanh mà nhiều khi các DNTN vừa và nhỏ khó có thể vượt qua.
Một doanh nhân đang làm chủ hai DN trong lĩnh vực dịch vụ bảo vệ và văn phòng phẩm chia sẻ: “DN siêu nhỏ như chúng tôi rất khó tiếp cận vốn vì thủ tục vay rất phức tạp, đòi hỏi phải chứng minh được tài chính và có báo cáo tài chính. Muốn tiếp cận vốn thông qua các phòng thương mại, kinh tế quận - huyện để làm thủ tục vay cũng không dễ nên chúng tôi vẫn cứ loay hoay”.
Không chỉ khó tiếp cận vốn mà đất đai vẫn luôn là nút thắt trong sự phát triển của DNTN. Đây vừa là phương tiện sản xuất vừa là nguồn lực to lớn, nhưng hiện còn nhiều trở ngại khi doanh nghiệp muốn đưa đất đai vào thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Liên quan đến những khó khăn của DNTN trong tiếp cận nguồn lực đất đai, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho biết, không chỉ các tập đoàn lớn muốn tận dụng nguồn tài nguyên đất đai để phát triển kinh tế, mà các DNTN cũng rất cần tận dụng ưu thế của đất đai. Các DNTN thuê đất và muốn dùng đất này để thế chấp ngân hàng, nhưng vướng quy định của Luật Đất đai 2014, cho nên không được thế chấp đất mà chỉ được thế chấp tài sản trên đất. Đây là một trong những khó khăn của DNTN.
Có thể khẳng định, vốn và đất đai đang là một lực cản cần được tháo gỡ để DNTN thực sự có được môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế và lớn mạnh, đúng như vai trò được xác định trong Nghị quyết Trung ương V là động lực quan trọng của nền kinh tế.
Song theo các chuyên gia, để tháo gỡ được rào cản này cần đơn giản hóa thủ tục, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của khu vực kinh tế tư nhân. Cần xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý. Song hành cùng với đó, cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa, các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo… để mở rộng kênh hỗ trợ vốn cho DN. Đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phương pháp định giá đất và khả năng tiếp cận đất đai cho DNTN.
Để kinh tế tư nhân lớn mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực sự trở thành động lực quan trọng phát triển kinh tế, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, chìa khóa nằm trong cải cách thể chế nhà nước, chấm dứt các nhóm lợi ích... Đặc biệt, cần giảm bớt các can thiệp không cần thiết của Nhà nước vào DNTN, phát triển hợp tác công tư, thu hút tư nhân vào xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển y tế, giáo dục, văn hóa... Qua đó sẽ hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân thực chất, có năng lực cạnh tranh./.