Khảo sát, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết về môi trường
Toàn cảnh Hội nghị. |
Theo báo cáo, 5 năm qua, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền của tỉnh Thái Nguyên quan tâm thực hiện và đạt được kết quả tích cực.
Qua đó, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường từng bước được nâng cao; nhiều chương trình, đề án, dự án, kế hoạch về tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được triển khai thực hiện đồng bộ; công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân trong các lĩnh vực này được quan tâm thực hiện với nhiều hình thức, hướng đến nhiều đối tượng; tổ chức được nhiều đợt đào tạo, tập huấn kiến thức kỹ năng, triển khai các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc ứng phó với biến đổi khí hậu đôi khi còn bị động, lúng túng; công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai chủ yếu tập trung vào ứng phó, khắc phục hậu quả, chưa chú trọng đến phòng ngừa; các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội chưa được bổ sung, điều chỉnh phù hợp với diễn biến của biến đổi khí hậu; nguồn kinh phí đầu tư cho các hoạt động còn hạn chế; công tác truyền thông có lúc, có nơi còn mang tính hình thức; một số dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường; việc khai thác trái phép khoáng sản, tài nguyên nước còn diễn ra, chưa được ngăn chăn triệt để.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác đã trao đổi, thảo luận với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cùng các thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để làm rõ thêm một số nội dung được quan tâm như: Vấn đề khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu vực khai thác mỏ; việc chủ động ứng phó với các thay đổi bất thường của khí hậu trên địa bàn; sự chuyển biến cơ cấu kinh tế liên quan đến tài nguyên, khoáng sản cũng như công tác quản lý trong lĩnh vực này; vấn đề kiểm soát ô nhiễm môi trường của các làng nghề; khả năng thực hiện các mục tiêu chung của Nghị quyết số 24 đã đề ra; việc triển khai thực hiện Luật khoáng sản; kết quả việc thực hiện tăng trưởng xanh và phục hồi môi trường các điểm mỏ; công tác quy hoạch và xử lý chất thải; các bất cập trong việc thực hiện một số điều luật liên quan đến đất đai, đánh giá tác động môi trường; công tác kiểm tra, giám sát chưa chặt chẽ; vấn đề sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường còn nhiều vướng mắc.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: tỉnh Thái Nguyên rất quan tâm thực hiện các Nghị quyết của Trung ương nói chung và Nghị quyết số 24 nói riêng. Đồng thời kiến nghị với chính phủ cần quan tâm đầu tư các công trình bảo vệ, phát triển hồ đập và các dòng sông. Ban hành, hoàn thiện hệ thống các văn bản, quy định về chính sách pháp luật, thuế phí trong khai thác khoáng sản cũng như cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, các cấp trong việc thực hiện những nội dung quan đến biến đổi khí hậu; quan tâm hỗ trợ địa phương phát triển các khu, cụm công nghiệp và các dự án, mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu. Có các chính sách, cơ chế bảo vệ những hang động tự nhiên để phục vụ công tác quân sự, quốc phòng; ban hành chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm.
Trên cơ sở trao đổi, thảo luận, đồng chí Phó trưởng Ban Thường trực Ban kinh tế Trung ương đánh giá cao các kết quả mà tỉnh Thái Nguyên đạt được trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Đề nghị tỉnh Thái Nguyên tiếp tục có các giải pháp tích cực để ứng phó biến đổi khí hậu; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết. Đối với các đề xuất, kiến nghị của địa phương, đoàn công tác sẽ tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để báo cáo Bộ Chính trị nhằm đề ra giải pháp thực hiện trong thời gian tới ./.