Kênh Ba Bò có sạch hay không phải chờ… Bình Dương!
Ngày 5/7, kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM khóa IX tiếp tục diễn ra ngày làm việc thứ 2 với phiên chất vấn tại hội trường.
Tại đây, các đại biểu HĐND TP tiếp tục đặt câu hỏi cho các sở ngành về hiệu quả của Dự án cải tạo kênh Ba Bò (kéo dài từ tỉnh Bình Dương sang địa bàn quận Thủ Đức, TPHCM).
Dự án này được đầu tư gần 1.100 tỷ đồng, khởi công hơn 10 năm nay nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được tình trạng ô nhiễm, hôi thối.
Sau 10 năm cải tạo, nước kênh Ba Bò vẫn đen thui |
Trả lời cử tri TP, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, cho biết kênh Ba Bò không chỉ tiếp nhận nguồn nước thải từ các khu dân cư ở TPHCM mà chủ yếu là các khu dân cư ở Bình Dương, đặc biệt là từ 2 khu công nghiệp Sóng Thần 1, Sóng Thân 2 trên địa bàn tỉnh này. Do đó, TPHCM không thể chủ động kiểm soát mà còn phụ thuộc nhiều vào Bình Dương.
Theo ông Thắng, hiện nay các nguồn thải chính ra kênh Ba Bò là khu công nghiệp Sóng Thần 1, 2 đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Trong khi đó, 6 khu dân cư dọc kênh vẫn xả nước thải ra và gây ô nhiễm.
Ông Thắng cho là phải chờ hệ thống thu gom ở Bình Dương hoàn tất thì hồ xử lý nước thải ở TPHCM mới phát huy hiệu quả, giải quyết vấn đề ô nhiễm ở kênh Ba Bò |
Trước ý kiến này, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP, lo ngại và đặt vấn đề: “Tôi nghĩ sở phải bàn với tỉnh Bình Dương để khắc phục ô nhiễm tại kênh Ba Bò. Bởi với tình hình hiện nay thì chúng ta phải đặt ra vấn đề là vốn đầu tư công đã hiệu quả hay chưa?”.
“Thứ nhất, mục tiêu khi chúng ta đặt ra khi làm dự án này là gì? Đó là giải quyết ô nhiêm môi trường tại đây. Chúng ta đã đầu tư quá lớn mà bây giờ dự án gần xong rồi, mùi hôi vẫn hôi, ô nhiễm môi trường vẫn ô nhiễm môi trường. Vậy mục tiêu chúng ta có đạt hay không? Hiệu quả đầu tư công có đạt hay không? Thứ 2, chúng ta đã xác định được nguyên nhân rồi thì biện pháp giải quyết thế nào? Đề nghị sở nói rõ 2 ý kiến đó, nếu không được thì UBND TP làm rõ”, bà Quyết Tâm chất vấn.
Bà Quyết Tâm lo ngại hiệu quả đầu tư công tại dự án kênh Ba Bò chưa đạt được |
Ông Thắng giải thích thêm: “Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm ở kênh Ba Bò, tỉnh Bình Dương đã ghi vốn hơn 3.000 tỷ để làm dự án Nam Bình Dương với mục tiêu xử lý, thu gom nước thải của 6 khu dân cư trong khu vực. Cùng với hồ xử lý nước thải sinh học mà thành phố xây dựng, đây sẽ trở thành 1 hệ thống xử lý nước thải đồng bộ. Dự kiến đến cuối năm nay, khi Bình Dương hoàn thành hệ thống thu gom thì sẽ xử lý xong mùi hôi của kênh Ba Bò”.
Chưa yên tâm với câu trả lời của ông Thắng, Bà Tâm đặt câu hỏi: “Mình có cam kết với người dân là cuối năm nay giải quyết xong ô nhiễm không?”.
Ông Thắng cho biết chủ đầu tư (Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP) và cơ quan chức năng sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành hệ thống này vào cuối năm 2017.
Ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm chống ngập TP cũng cho biết: “Trong dự án này, TPHCM chịu trách nhiệm xử lý nước thải, còn Bình Dương thực hiện dự án thu gom. Không biết Bình Dương xây xong hết các dự án liên quan chưa nhưng ban tối thấy nước đen, hôi. Không biết doanh nghiệp có xả thải lén hay không; chứ ban ngày nước trong hơn, không có mùi hôi”.
Ông Nguyễn Ngọc Công lo ngại vấn đề xả thải lén của các khu công nghiệp |
Lo lắng vì tình trạng doanh nghiệp xả thải lén, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn. “Hồ sinh học chỉ xử lý nước thải sinh hoạt, vậy nếu nước thải công nghiệp vào có hư hồ không? Hồ hư thì ai chịu trách nhiệm”, bà Tâm đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Ngọc Công cho rằng nước nước thải công nghiệp tràn vào thì sẽ hư hồ xử lý sinh học. Hiện tại, để đảm bảo an toàn, hồ sinh học và hồ điều tiết được cách ly bởi rào chắn.
“Hồ sinh học chỉ xử lý chất thải sinh hoạt. Hiện chúng tôi làm đập ngăn hai hồ. Trung tâm sẽ báo cáo TP trước khi vận hành”, ông Công nói.
Bà Quyết Tâm vẫn lo lắng vì có tình trạng hồ sinh học nằm chờ vì chưa tách được dòng nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp.
Bà nói: “Cho vô là hư. Vậy về lâu dài thì làm sao chúng ta quản lý được nguồn nước thải từ Bình Dương? Phải có cơ chế giám sát vấn đề này. Nếu không, tôi không tin rằng chúng ta sẽ vận hành tốt được hệ thống xử lý vì ý thức xả thải còn rất kém, như anh Công nói ban đêm có hành vi xả lén thì rất khó khăn!”.
Bổ sung ý kiến của các sở ngành, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết về việc kiểm soát nguồn thải vào hồ sinh học thì chính quyền TP sẽ tiếp tục làm việc với tỉnh Bình Dương trên cơ sở những cam kết trước đây của 2 địa phương.
Kết luận vấn đề, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị: “Đề nghị UBND TP phối hợp tốt để xử lý hiệu quả. Ban đêm xả thải ra kênh thì rất nguy hiểm. Về lâu dài, phải quản lý được nguồn thải nên phải quan trắc và thông số phải đảm bảo để vận hành”.