iPhone đóng góp chưa được nửa doanh thu,"ế ẩm" ở Việt Nam
iPhone - không còn là "gà đẻ trứng vàng"
Apple đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2019 với doanh thu đạt 53,8 tỷ đô la Mỹ, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, doanh thu của iPhone quý này chỉ đạt 25,99 tỷ USD, giảm so với cùng kỳ năm ngoái (29,47 tỷ USD). Đây được xem là lầu đầu tiên kể từ năm 2012, doanh số iPhone chiếm ít hơn một nửa doanh thu mà Apple thu về được trong một quý.
Trong kết quả này có thể thấy, mảng dịch vụ đang đem về doanh thu tốt cho Apple với 11,46 tỷ USD doanh thu. Mảng thiết bị đeo cũng đang tăng trưởng mạnh và CEO Tim Cook cũng nhấn mạnh, doanh thu mảng này cùng mảng smarthome của công ty đã gần bằng một thu nhập của công ty trong danh sách Fortune 50.
Việc sụt giảm của iPhone đã được dự báo từ trước và đã bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm kể từ đầu năm nay. Apple cũng đã thông báo thay đổi cấu trúc báo cáo doanh thu từ năm ngoái, sẽ không công bố chính thức doanh số thực tế các thiết bị phần cứng của mình. Điều này khiến cho việc thống kê doanh số iPhone gặp khó khăn.
Tuy nhiên, các công ty phân tích thị trường cũng không quá "khó khăn" để thống kê và đưa số liệu bán hàng của công ty này. Theo Strategy Analytics, Apple đã bán được 65,9 triệu iPhone trong quý tài chính đầu tiên của năm 2019. Con số này giảm 15% so với mức 73 triệu máy của cùng kỳ năm 2018.
Một báo cáo khác của IDC cũng đưa ra con số khả quan hơn một chút trong quý tài chính đầu tiên là 68,4 triệu iPhone được bán ra. Tuy nhiên một báo cáo khác của Gartner, Apple chỉ bán được 64 triệu máy, thị phần của ông lớn này cũng đã giảm từ 18% xuống 16% trên toàn cầu.
Ở một thống kê khác cũng cho thấy sự sụt giảm doanh số của iPhone đó là thông qua báo cáo về doanh số màn hình OLED của Samsung. Đây là nhà cung cấp màn hình OLED duy nhất cho Apple trong thời điểm hiện tại. Trong năm 2018, Apple từng đặt 100 triệu tấm nền cho thế hệ iPhone X nhưng ảnh hưởng từ việc giá điện thoại ngày càng cao, thói quen mua sắm sụt giảm... Công ty này đã quyết định cắt giảm 50% đơn đạt hàng trong hợp đồng cung ứng màn hình iPhone X. Động thái này tác động mạnh lên ngành công nghiệp cung ứng Hàn Quốc, những doanh nghiệp cung cấp bản mạch và linh kiện tạo nên màn hình OLED.
Thậm chí đến thời điểm hiện tại, việc cung ứng tấm nền cho thế hệ iPhone Xs và Xs Max còn thua cả "gà nhà" Galaxy S10+. Điều này cũng trực tiếp "tố cáo" doanh số của iPhone Xs/ Xs Max trong quý 1 năm nay đang ở mức thấp đáng báo động. Các tờ báo trước đó cũng đã đưa ra thông tin về việc Samsung phạt Apple hơn 600 triệu USD do không mua đủ số lượng tấm nền OLED đã phần nào đồng tình với những dự báo trên.
Tại Việt Nam, phân khúc trên 15 triệu đồng đang chứng kiến sự sụt giảm mạnh từ đầu năm đến nay. Báo cáo từ GFK tháng 6/2019 cho thấy, phân khúc trên 15 triệu đồng sức tiêu thụ chỉ đạt 58 ngàn máy, trong khi tháng 5 trước đó là 74 ngàn máy. Đây là phân khúc mà các sản phẩm Apple đang kinh doanh, bị ảnh hưởng trong sự thay đổi của thị trường.
Không chỉ vậy, phân khúc từ 10-15 triệu đồng cũng chứng kiến sự sụt giảm với 37 ngàn máy của tháng 6, trong khi tháng 5 là 44 ngàn máy.
Trao đổi với Dân trí, hầu như các hệ thống lớn đều khẳng định, các mặt hàng iPhone mới từ đầu năm đến nay không hút khách. Thậm chí thời điểm này, người mua không còn quan tâm đến thế hệ iPhone XS trở lên. "Sản phẩm mới gần như ế ẩm vì vẫn giữ giá còn khá cao nên khách hàng không mua. Tâm lý khách hàng bây giờ đang tập trung vào việc chờ đợi thế hệ iPhone mới sắp ra mắt vào tháng 9", ông Nguyễn Đạt, điều hành chuỗi Di động Việt nhận định.
Chiến lược "câu giờ" đang hết tác dụng
Những thế hệ iPhone mới đang tiếp tục đi theo chiến lược "câu giờ" mà công ty này vẽ ra để "hút máu" và trụ vững. Chúng ta từng chứng kiến sự sáng tạo của Apple kể từ lần đầu tiên hãng này ra thị trường vào năm 2007. Thời điểm đó, Apple chỉ duy trì một lối thiết kế sản phẩm hai năm một lần. Nhưng từ khi iPhone 6 ra đời, chiến lược "câu giờ" bắt đầu được triển khai - một thiết kế sản phẩm kéo dài lên đến 4 năm.
Đến iPhone X, rồi XS, XS Max và thậm chí là thế hệ iPhone XI sắp ra mắt, Apple vẫn đang tiếp tục sử dụng ngôn ngữ thiết kế cũ của iPhone X. Đây là năm thứ ba liên tiếp công ty này giữ lại thiết kế và khiến giới phân tích tỏ ra rất bi quan về doanh số iPhone mới trong năm nay.
Việc duy trì mãi một thiết kế đang dần mất hết tác dụng khi doanh số liên tục sụt giảm. Minh chứng rõ nét nhất đó là mẫu iPhone XS - phiên bản nâng cấp nhẹ so với iPhone X, đang ế ẩm trên toàn cầu vì giá cao và không có khác biệt. Ông Minh Tuấn, điều hành Minh Tuấn mobile nhận định: "Hầu như trong bộ ba iPhone mới, người dùng chỉ chọn iPhone XS Max vì màn hình lớn. Trong khi ngoại hình iPhone XS không khác gì iPhone X mà giá cao hơn, không đủ sức hút để người dùng nâng cấp".
Các đại diện hệ thống lớn ở Việt Nam cũng chung nhận định, sự sụt giảm mạnh mẽ của Apple đến từ việc thiếu sự đột phá trong thiết kế, duy trì lâu một hình dáng và mức định giá liên tục tăng cao.
Số liệu này cũng phù hợp với các nghiên cứu gần đây, được thực hiện bởi BankMyCell, khách hàng lâu năm của Apple đang thay đổi chu kỳ nâng cấp iPhone mới và thậm chí nhiều người đã chuyển sang Android. Lòng trung thành của người dùng iPhone đã xuống thấp rất nhiều so với năm 2017, khi có số đạt đỉnh 92% thì giờ chỉ còn 73%.
Dựa trên các dữ liệu rò rỉ về sản phẩm iPhone mới, nhà phân tích Jun Zhang đến từ Rosenblatt Securities cho rằng, doanh số của thế hệ iPhone mới sẽ tiếp tục gây thất vọng. Thậm chí các dự báo của các công ty chứng khoán, cổ phiếu Apple sẽ lao dốc tới 25% vào nửa cuối năm nay.
Do đó, Apple cần "mang về lại" sự sáng tạo mà giúp công ty này thành danh trở về với iPhone mới nếu muốn giữ vững thị trường và giữ fan trung thành trước bối cảnh các đối thủ lớn như Samsung, Huawei và nhiều nhà sản xuất di động Trung Quốc đang chạy đua với nhiều sự sáng tạo mới, công nghệ cao hơn: như màn hình cong, điện thoại 5G và nhiếp ảnh trên di động...