Hy Lạp và Macedonia ký thỏa thuận đổi tên nước: Thách thức vẫn còn
Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotzias và Ngoại trưởng Macedonia Nikola Dimitrov hôm 17/6 đã ký thỏa thuận lịch sử giữa hai nước về việc đổi tên Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia.
Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev (trái) và Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras trong lễ ký thỏa thuận ngày 17/6. Ảnh: AFP. |
Thỏa thuận lịch sử được ký kết sẽ mở đường hướng tới chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài nhiều năm qua giữa hai nước liên quan đến tên gọi chính thức của Macedonia, cũng như tạo điều kiện cho con đường gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Macedonia rộng mở hơn.
Lễ ký được tiến hành tại khu vực vùng Hồ Prespes ở biên giới Hy Lạp – Macedonia, trước sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước và một số quan chức Liên Hợp Quốc, Liên minh Châu Âu. Theo thỏa thuận, Macedonia (lâu nay được chính thức biết đến với tên gọi là Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia - FYROM), sẽ đổi tên thành Cộng hòa Bắc Macedonia.
Tranh cãi giữa Hy Lạp và Macedonia bùng phát năm 1991 khi Macedonia tuyên bố độc lập và gia nhập Liên Hợp Quốc với tên gọi là Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia. Tuy nhiên, Hy Lạp - một thành viên của Liên minh Châu Âu và NATO, đã ngăn cản tiến trình gia nhập của Macedonia, xuất phát từ tranh cãi liên quan đến tên gọi trùng với một tỉnh miền Bắc Hy Lạp. Hy Lạp lo ngại sự trùng hợp này có thể dẫn đến tranh chấp về lãnh thổ với quốc gia láng giềng.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đánh giá ý nghĩa của thỏa thuận này:“Thỏa thuận là một bước đi lịch sử. Thỏa thuận sẽ giúp hàn gắn những vết thương trong quá khứ, mở đường cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, không chỉ cho hai nước mà cả khu vực Balkan và cả Châu Âu”.
Thỏa thuận đạt được giữa Hy Lạp và Macedonia cũng ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh của nhiều nước. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk và Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đều lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận. Cao ủy Liên minh Châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cũng nhấn mạnh niềm tự hào của Châu Âu, khi các nước nỗ lực thông qua đối thoại và ngoại giao để tìm ra một giải pháp hai bên cùng có lợi. Bà Mogherini khẳng định, thỏa thuận này sẽ giúp Châu Âu hòa bình và gắn kết hơn.
Còn đặc phái viên Liên Hợp Quốc về vấn đề Macedonia Mathew Nimetz khẳng định:“Đây là một quá trình dài và khó khăn. Tuy nhiên, các bên đã hợp tác để đạt được một thỏa thuận thực sự công bằng, xứng đáng và khả thi. Đây sẽ là một hình mẫu đối với khu vực, Châu Âu và cả thế giới rằng, các nước láng giềng có thể giải quyết vấn đề nếu họ thực sự hợp tác cùng nhau”.
Với Thỏa thuận đã kí kết sẽ giúp cho con đường của Macedonia gia nhập EU hay NATO tiến gần hơn. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều khó khăn phía trước để hiện thực hóa thỏa thuận này. Để có hiệu lực, thỏa thuận này phải được Quốc hội Macedonia và Hy Lạp thông qua. Sau đó phải được đưa ra trưng cầu ý dân ở Macedonia vào tháng 9 tới.
Hiện thỏa thuận đang vấp phải sự phản đối kịch liệt của những phe phái theo đường lối cứng rắn ở cả hai nước, do bên nào cũng đều cho rằng thỏa thuận là một sự nhượng bộ quá mức đối với phía bên kia.
Ngay sau khi Thỏa thuận được ký kết, hàng loạt các cuộc biểu tình đã diễn ra cả ở Hy Lạp và Macedonia. Bất chấp việc Thủ tướng Hy Lạp đã vượt được qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do lực lượng đối lập yêu cầu để phản đối thỏa thuận, nhưng dư luận trong nước cũng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ quyết định này. Cảnh sát ở khu vực phía Bắc Hy Lạp hôm qua đã có cuộc đụng độ với những người biểu tình phản đối thỏa thuận. Theo khảo sát của tờ Proto Thema tại Hy Lạp, có đến 70% người dân Hy Lạp phản đối thỏa hiệp này.
Tình hình cũng không mấy khá hơn tại Macedonia, khi hàng nghìn người hôm qua đổ ra đường phản đối Thỏa thuận. Tổng thống Macedonia thậm chí còn tuyên bố sẽ không ủng hộ Thỏa thuận này. Với những diễn biến hiện nay, nhiều quan chức khu vực cho rằng, những tranh cãi chính trị trong nước có thể gây ảnh hưởng đến thỏa thuận. Tuy nhiên, thỏa thuận vừa được ký kết vẫn sẽ là một hình mẫu cho các nước về cách thức giải quyết hòa bình và ổn định các tranh chấp trên khắp khu vực./.