hoi nghi truc tuyen nganh nong nghiep va phat trien nong thon
Toàn cảnh Hội nghị.

Theo báo cáo, năm 2017, ngành NN&PTNN đã hoàn thành kế hoạch đề ra, trong đó có một số chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc như kim ngạch xuất khẩu, xây dựng nông thôn mới, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện, đạt gần 3%. Bên cạnh những kết đạt được, việc cơ cấu lại nông nghiệp chưa đồng đều; năng xuất lao động, hiệu quả sản xuất và thu nhập của người nông dân còn thấp; biến đổi khí hậu và thiên tai ngày càng nhiều và phức tạp gây ảnh hưởng đến tăng trưởng nông nghiệp; công nghiệp chế biến chậm phát triển; dự báo cung cầu thị trường còn nhiều bất cập.

Đối với tỉnh Thái Nguyên, tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2017 đạt trên 460 nghìn tấn, bằng 106% kế hoạch; thủy sản, rau mầu các loại và diện tích cây chè, trồng rừng đều có sự tăng trưởng. Tuy nhiên, hoạt động chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do giá thấp, khó tiêu thụ dẫn đến tình trạng thua lỗ, số lượng đàn trâu, bò và lợn đều giảm.

Tại hội nghị, đại diện các địa phương đã tập trung thảo luận, phân tích những mặt còn hạn chế, khó khăn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp thời gian qua. Đồng thời, kiến nghị và đề xuất nhiều giải pháp liên quan đến cơ chế chính sách, hoạt động hỗ trợ sản xuất, việc ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp, tiếp tục đầu tư kinh phí xây dựng NTM.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2017, ngành Nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là việc xuất khẩu hàng hóa nông sản. Tuy nhiên hiện nay, giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập của người nông dân ở nước ta còn thấp. Chính vì vậy, thời gian tới, các cấp, ngành liên quan và địa phương cần vào cuộc tích cực hơn nữa để hỗ trợ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong đó cần tập trung triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực nông nghiêp; tập trung tái cơ cấu nông nghiêp để nâng cao giá trị sản xuất; tăng cường quản lý bảo vệ rừng, bảo đảm an toàn hồ đập, môi trường nông thôn; đẩy mạnh liên kết sản xuất để tạo nên giá trị tăng trưởng lớn, tập trung thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; hạn chế tối đa việc vi phạm các quy định về hàng hóa nông sản xuất khẩu; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất nông nghiệp; thực hiện tốt việc dự báo về cung cầu thị trường để giúp người nông dân, các doanh nghiệp ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập. Từ đó, góp phần quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế xã hội của cả nước nói chung và mỗi địa phương nói riêng./.