Hội nghị G20: Khi thế giới học cách “sống chung với ông Trump”
Trump và phần còn lại của G20
Tổng thống Mỹ Donald Trump có nhiều vấn đề cần thảo luận ở G20. Một trong những vấn đề mà ông Trump quan tâm là hệ thống thương mại đa phương. Trong khi hầu hết các nhà lãnh đạo G20 ủng hộ chủ nghĩa đa phương thì Tổng thống Mỹ cho rằng điều này khiến nước Mỹ bị lợi dụng trong suốt một thời gian dài.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP |
Khác biệt trong quan điểm về vấn đề này khiến cho vào khoảng 5h sáng 1/12 (giờ địa phương), sau 1 tuần đàm phán căng thẳng, các nhà ngoại giao chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã viết riêng một câu trong đoạn thứ 4 của bản dự thảo tuyên bố chung rằng: "Chúng tôi cũng sẽ chú ý đến các vấn đề thương mại hiện nay".
Tổng thống Trump cũng có những vấn đề với Thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris. Tuy nhiên, thay vì tranh cãi về vấn đề này, 19 nhà lãnh đạo còn lại trong G20 đã dùng tuyên bố chung của Hội nghị này để khẳng định về cam kết của họ trong việc chống lại sự ấm lên toàn cầu, đồng thời dành một đoạn riêng để ghi lại ý kiến phản đối của riêng ông Trump.
"Mỹ nhắc lại quyết định rút khỏi Thỏa thuận Paris, đồng thời khẳng định cam kết mạnh mẽ của họ đối với sự phát triển kinh tế, khai thác năng lượng và an ninh, tận dụng tất cả nguồn năng lượng và công nghệ trong khi vẫn duy trì bảo vệ môi trường", tuyên bố này khẳng định.
Nhà Trắng hài lòng với giải pháp này. Và các nhà lãnh đạo G20 còn lại cũng chỉ mong vậy.
Gần 2 năm sau khi chứng kiến trật tự thế giới được tái sắp xếp dưới thời Tổng thống Trump, các quốc gia khác đang học dần cách thích nghi với điều này. Các nhà lãnh đạo của những cường quốc kinh tế đều học được và chấp nhận rằng họ sẽ không thể thay đổi quan điểm của ông Trump, dù qua tranh luận lý lẽ hay bằng cách thuyết phục. Nói cách khác, cách tốt nhất để bảo vệ hệ thống đa phương là để Tổng thống Mỹ đi con đường riêng của mình, thậm chí cả khi đó là cách để họ níu chân ông Trump ngồi lại bàn đàm phán. Đây cũng là những điều đã xảy ra tại Buenos Aires và thực sự thì G20 cuối cùng đã có thể tiếp tục phiên họp tiếp theo vào năm 2019 tại Osaka, Nhật Bản.
Các nhà lãnh đạo thế giới học cách “sống chung với ông Trump”
Một quan chức châu Âu cho biết những căng thẳng trong quá trình đàm phán để đưa ra tuyên bô chung liên quan đến việc làm thế nào để đảm bảo rằng Washington sẽ tiếp tục ở lại Hội nghị, đồng thời không để những căng thẳng về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ cản trở tiến trình của Hội nghị. Vị quan chức này cũng thừa nhận rằng đôi khi sự giận dữ bao trùm Thượng đỉnh G20 bởi một số quốc gia như Mỹ và Trung Quốc đã coi thường các luật lệ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho rằng một thập kỷ qua kể từ khi Hội nghị G20 lần đầu tiên được tổ chức, chủ nghĩa đa phương đang đứng trước nhiều đe dọa. Bà Merkel khẳng định thế giới cần đấu tranh cho chủ nghĩa đa phương đồng thời cho rằng: "Chúng ta đang làm điều đó nhưng nó ngày càng khó khăn hơn. Thực tế là Thỏa thuận Paris là một khoảnh khắc tuyệt vời dù khoảnh khắc ấy vẫn chưa đủ để giải quyết vấn đề".
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức và các nhà lãnh đạo khác vẫn khen ngợi Hội nghị Thượng đỉnh G20 là một thành công. Tổng thống Argentina Mauricio Macri nhận định tuyên bố chung được đưa ra đã chứng minh G20 trở thành "một không gian chung để đối thoại và hợp tác hiệu quả".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người từng có những bất đồng với ông Trump trong một vài tuần gần đây cũng khen ngợi thành công của Hội nghị G20. "Với Tổng thống Donald Trump, chúng tôi thực sự đã đạt được một thỏa thuận. Hội nghị G20 cùng với những cuộc thảo luận để đạt được sự nhất trí hay bất kỳ sự bất đồng nào còn tồn tại trong một số vấn đề nhất định đều nhằm xây dựng một con đường chung”.
Trong thời gian đầu khi trở thành Tổng thống, ông Trump thường "không ưa" việc phải tham dự những Hội nghị Thượng đỉnh quốc tế. Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng đều cho rằng Tổng thống Mỹ đang ngày càng tự tin tại các cuộc thảo luận trên trường quốc tế gần đây trong việc thiết lập mối quan hệ với các nhà lãnh đạo nước ngoài cũng như tăng cường những hiểu biết về các vấn đề chính sách.
Tương tự vậy, các nhà lãnh đạo thế giới và các quan chức chính phủ hàng đầu của các quốc gia này cũng học được cách "sống chung với ông Trump". Đã qua rồi những ngày mà các phát ngôn về chính sách đối ngoại không chính thống của Tổng thống Trump gây hoang mang cho thế giới. Thay vào đó, các quan chức nước ngoài bây giờ đã biết cách giữ bình tĩnh, tập trung vào những các lĩnh vực của thỏa thuận và điều quan trọng nhất là tìm cách để hiểu được những quan điểm tích cực của ông Trump.
Hội nghị G20 có lẽ cũng có những lợi ích nhất định trước thực tế rằng ông Trump và Nhà Trắng coi bữa tối ngày 1/11 với Chủ tịch Trung Quốc mới là sự kiện quan trọng nhất ở Argentina. Sự thật là các quan chức cấp cao của Mỹ hầu như rất ít chú ý đến những cuộc đàm phán để đạt được tuyên bố chung G20 nên đã giao hầu hết công việc này cho các quan chức ở cấp thấp hơn. Đó có thể là một phần lý do để Hội nghị này đạt được tuyên bố chung thay vì phải tiếp tục chứng kiến một thất bại tiếp theo như những gì từng xảy ra tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2018 trước đó không lâu.
Có một nghịch lý rằng, dường như thế giới đã quen với việc Tổng thống Trump đem "hết bất ngờ này đến bất ngờ khác" trong cách giải quyết các vấn đề quốc tế nên bây giờ người ta sẽ chỉ ngạc nhiên khi ông chủ Nhà Trắng cư xử một cách bình thường và không còn điều gì bất ngờ nữa./.