Hỗ trợ đưa nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử
HTX Chè Kim Thoa, xã Phúc Xuân, TP Thái Nguyên thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng nhờ tăng cường bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử |
Là hợp tác xã sản xuất chè, thời gian qua hợp tác xã chè Kim Thoa, xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên đã nhân rộng vùng sản xuất chè theo hướng hữu cơ, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chè. Hiện, cây chè được sản xuất hữu cơ đã khẳng định được chất lượng. Theo đó, giá chè búp khô của thành viên hợp tác xã hiện dao động từ 350 đến 400 nghìn đồng/kg, cao hơn 150 - 200 nghìn đồng/kg so với trước đây. Thị trường tiêu thụ chè cũng ngày càng được mở rộng.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp, bên cạnh việc bán hàng truyền thống thì hợp tác xã cũng đã được hỗ trợ đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử nên doanh số trên kênh bán hàng online bắt đầu phát triển, phần nào giúp cho hợp tác xã từng bước vượt qua khó khăn.
Bà Tống Thị Kim Thoa, Giám đốc Hợp tác xã chè Kim Thoa, xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên cho biết: “Hợp tác xã đã đưa lên sàn thương mại điện tử. Qua đó, nhiều khách hàng trên mọi miền đất nước đã biết đến sản phẩm của đơn vị”.
Không chỉ riêng sản phẩm từ cây chè, thời gian qua đã có nhiều hộ kinh doanh về thực phẩm từ nông nghiệp đã và đang có định hướng được đưa vào hỗ trợ trong sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến để đưa lên các sàn thương mại điện tử. Dù chưa chính thức lên sàn giao dịch thương mại điện tử nhưng Cơ sở kinh doanh giò, chả Dương Thái Cường ở tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên đã chuyển đổi phương thức bán hàng thay vì trực tiếp mang sản phẩm đến đại lý, các bếp ăn để chào hàng mà đã đăng tải hình ảnh về sản phẩm của cơ sở qua website, các trang mạng xã hội để quảng bá.
Cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra chất lượng VSATTP Cơ sở kinh doanh giò, chả. |
Ông Dương Thái Cường, Cơ sở kinh doanh giò, chả Tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên chia sẻ: “Chúng tôi cũng mong muốn được hỗ trợ để đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch điện tử, website để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm”.
Đồng hành cùng với người dân, các ngành chức năng của tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ bà con trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, trong đó ưu tiên việc chuyển đổi số nói chung và phân phối nông sản thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử nói riêng. Với những giải pháp cụ thể, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Thái Nguyên đã tăng cường hỗ trợ bà con nông dân sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP và sản xuất theo hướng hữu cơ. Đồng thời, phối hợp với các phòng chuyên môn thống kê, tổng hợp gần 60 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác để kết nối, giới thiệu và hộ trợ tiêu thụ sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử
Ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Thái Nguyên thông tin: “Thời gian qua, Chi cục cũng đã tăng cường kiểm tra xác nhận chuỗi an toàn thực phẩm và cấp đăng ký để đưa các sản phẩm đến tay người tiêu dùng mà vẫn đảm bảo về an toàn thực phẩm”.
Thực tế cho thấy, việc đưa nông sản nói chung lên các sàn thương mại điện tử đang là một trong những giải pháp mới để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm. Qua đây, các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh đã được rộng rãi khách hàng gần xa biết đến.
Bước chuyển mình mạnh mẽ của bà con nông dân trong việc đưa công nghệ kỹ thuật vào trong sản xuất cũng như chế biến quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông sản qua các sàn thương mại điện tử đang từng bước đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.