Hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn phục hồi sản xuất sau mưa bão
Trong trận lũ lụt vừa qua Doanh nghiệp Hùng Phát Wood Phú Lương đã chịu thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng |
Doanh nghiệp Hùng Phát Wood Phú Lương chuyên sản xuất mặt hàng gỗ bóc, gỗ ép… Trong trận lũ lụt vừa qua đã chịu thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng. Để nhanh chóng ổn định sản xuất Doanh nghiệp mong muốn sẽ được vay vốn khôi phục sản xuất với mức lãi suất thấp từ các ngân hàng.
Ông Lương Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Hùng Phát Wood Phú Lương mong muốn: "Chúng tôi đang cố gắng để khắc phục, đưa nhà máy trở lại sản xuất. Rất mong các tổ chức tín dụng, ngân hàng tạo điều kiện cho chúng tôi những gói vay mới ưu đãi lãi suất, giúp chúng tôi phục hồi sản xuất, đáp ứng kịp các đơn hàng đã ký".
Theo thống kê sơ bộ, trong đợt lũ lụt vừa qua, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng gần 70 doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp này không chỉ mất nguồn thu trong thời gian sản xuất bị gián đoạn mà còn phải gánh chịu những chi phí khắc phục hậu quả sau bão.
Ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Thái Nguyên cho biết: "Hiệp hội đã liên hệ với ngành Thuế để giúp doanh nghiệp được giãn thuế, nợ thuế, thậm chí giảm thuế đối với những đơn vị bị thiệt hại. Hiệp hội hiện có 11 hội viên là Ngân hàng, chúng tôi sẽ họp để vận động hỗ trợ các doanh nghiệp được giãn nợ, được vay thêm, giúp các doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất và bớt khó khăn".
Theo thống kê của Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Thái Nguyên, có khoảng trên 7.300 khách hàng bị thiệt hại với tổng dự nợ trên 3.500 tỷ đồng |
Theo thống kê của Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Thái Nguyên, trong đợt thiên tai vừa qua, có khoảng trên 7.300 khách hàng bị thiệt hại với tổng dự nợ trên 3.500 tỷ đồng. Ngay sau khi cơn lũ qua đi, Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Thái Nguyên đã khẩn trương chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Trước hết là tiếp tục cho các tổ chức tín dụng cơ cấu lại các khoản nợ đã có cho phù hợp, tiến tới chúng tôi sẽ xem xét việc giảm lãi, điều chỉnh lãi suất phù hợp. Việc cho vay mới các tổ chức tín dụng đã cung ứng các gói vay với lãi suất thấp hơn. Ngân hàng Nhà nước cũng xem xét việc phân lại tài sản để đảm bảo trích rủi ro hạn chế nhất".
Chính sách tiền tệ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để phục hồi sản xuất. Việc giảm lãi suất, khoanh nợ và hỗ trợ vay vốn là những giải pháp hữu hiệu mà ngành Ngân hàng đã và đang triển khai kịp thời để giúp Doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động và tái khởi động sản xuất./.