Hậu COVID-19 ở trẻ em, có nên lo lắng quá mức?
Nhiều phụ huynh đưa trẻ đến khám hậu COVID-19 tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên

Lo lắng cho sức khỏe của con trai khi thấy cháu có những biểu hiện ho và sốt kéo dài mặc dù đã khỏi COVID-19 được 2 tuần, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền ở tổ 13, phường Hương Sơn, TP Thái Nguyên quyết định đưa con đi kiểm tra sức khỏe. Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ: "Cháu có triệu chứng ho, sốt nhẹ, nên tôi nghĩ có thể do hậu COVID và đưa cháu đi xét nghiệm".

Đây không chỉ là nỗi lo riêng của chị Huyền mà đang là mối quan tâm chung của nhiều bậc phụ huynh khi dịch bệnh COVID-19 ngày càng phức tạp. Thậm chí, có người còn đưa con tới các cơ sở y tế với mong muốn khám hậu COVID-19 dù cho em bé không hề có biểu hiện bệnh lý gì.

Chị Nguyễn Cao Phương Ly, xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên cho hay: "Hiện tại, không có triệu chứng gì, nhưng tôi muốn cho cháu đi chụp lại phổi, kiểm tra tổng quát xem có vấn đề gì không?"

TS.BS. Nguyễn Bích Hoàng, Quyền Giám đốc Trung tâm Nhi, Trưởng khoa Sơ sinh - Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho hay: "Ở trẻ em, tỷ lệ hậu COVID-19 ở trẻ em không nhiều, chủ yếu là các biểu hiện nhẹ, tỷ lệ thể nặng COVID-19 ở trẻ em phải nhập viện khoảng 3-4%; các bậc phụ huynh phải bình tĩnh theo dõi và chăm sóc trẻ, đảm bảo về dinh dưỡng, thực hiện 5K, đảm bảo dự phòng để tránh lây nhiễm, tái nhiễm".

Hậu COVID-19 ở trẻ em, có nên lo lắng quá mức?
Nếu trẻ mắc COVID-19, cần bình tĩnh, thường xuyên theo dõi các biểu hiện sức khỏe của trẻ để có phương pháp chăm sóc và xử trí kịp thời.

Vậy làm thế nào để nhận biết kịp thời các dấu hiệu của hậu COVID-19 ở trẻ để chăm sóc và xử trí kịp thời?

TS.BS. Nguyễn Bích Hoàng, Quyền Giám đốc Trung tâm Nhi, Trưởng khoa Sơ sinh - Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: "Biểu hiện có thể chia làm 3 loại: biểu hiện nặng gồm sốt cao kéo dài, khó thở, suy hô hấp, trẻ mệt, li bì, không ăn uống được... cần cho đi khám ngay; trường hợp trung bình bệnh nhi mức độ nhẹ hơn nhưng sốt kéo dài trên 5 ngày, đau tức ngực, khó thở, đau đầu, nôn, rối loạn tiêu hóa mức độ nặng; biểu hiện nhẹ chỉ có đau đầu thoáng qua, mệt mỏi, kém tập trung, ảnh hưởng đến học tập, mất ngủ kéo dài, ăn uống kém hơn... cũng nên cho trẻ đi khám theo định kỳ".

Hiện tại, tình trạng hậu COVID-19 vẫn còn là vấn đề mới và cần nghiên cứu thêm. Do đó, có thể còn nhiều thay đổi về các triệu chứng, cách theo dõi, phương pháp điều trị. Lưu ý rằng, hiện nay, trong các nhóm, trang thông tin điện tử có rất nhiều thông tin gây nhiễu. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần tìm hiểu rõ thông tin để tránh lo lắng quá mức, tuy nhiên, cũng không nên chủ quan. Điều quan trọng là nếu trẻ mắc COVID-19, cần bình tĩnh, thường xuyên theo dõi các biểu hiện sức khỏe của trẻ để có phương pháp chăm sóc và xử trí kịp thời./.