Không chủ quan với những diễn biến hậu COVID-19
Không chỉ có điều trị COVID-19 mà những vấn đề về hậu COVID-19 ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài cũng rất cần được quan tâm.

Con của chị Trần Ánh Tuyết, phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên là 1 trong số hàng trăm bệnh nhân đã đến với phòng khám hậu COVID-19 của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chỉ sau 1 thời gian ngắn đơn vị này được thiết lập. Chị Trần Ánh Tuyết cho hay: "Tôi được biết hậu COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến phổi và các cơ quan nội tạng, nên tôi đưa con đi chụp chiếu để còn biết hướng điều trị cho con".
Tình trạng thậm chí còn tồi tệ hơn so với thời điểm nhiễm COVID-19, đó là lý do cô giá này tìm đến phòng khám hậu COVID-19 sau gần 20 ngày khỏi bệnh.

Em Dương Anh Thư, Tổ 3, phường Đồng Quang, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Em bị nhiễm COVID-19 đến ngày hôm nay là ngày thứ 20. Sau khi mắc COVID-19, em thường xuyên bị mất ngủ, trước đây em ngủ rất ngon. Ngoài ra, hay bị đau đầu, đau mỏi cơ, hay lo lắng; đi bộ nhiều có thể bị hụt hơi, mệt".

Không chủ quan với những diễn biến hậu COVID-19
Không chỉ đau tức ngực kéo dài, nhức mỏi cơ... theo các chuyên gia, đến thời điểm này, đã có hơn 200 triệu chứng liên quan đến hội chứng hậu COVID-19 được tìm ra.

Không chỉ đau tức ngực kéo dài, nhức mỏi cơ... theo các chuyên gia, đến thời điểm này, đã có hơn 200 triệu chứng liên quan đến hội chứng hậu COVID-19 được tìm ra, đặc biệt ở những bệnh nhân đã trải qua quá trình điều trị hồi sức tích cực.

Tiến sĩ Nguyễn Phương Sinh, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: "Thường là bệnh nhân vào khám với triệu chứng xuất hiện tình trạng mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, khó thở và thở hụt hơi, có một số vấn đề về sức khỏe tâm thần như: suy giảm trí nhớ, lơ đãng, những rối loạn cảm xúc, thậm chí trầm cảm, thay đổi giọng nói và tình trạng rối loạn nuốt, ảnh hưởng đến phát triển thể chất của người bệnh".

Trước số lượng người dân có nhu cầu đến thăm khám chỉ trong một thời gian ngắn sau khi khỏi các triệu chứng của giai đoạn nhiễm COVID-19, một hội thảo khoa học với các vấn đề về nhận biết, xử lý hậu COVID-19 đã được tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nghiên cứu, bác sĩ đầu ngành từ các chuyên khoa mà người bệnh COVID-19 thường gặp phải sau khi khỏi bệnh. Đây cũng là căn cứ khoa học để việc mở rộng và xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan đến hậu COVID-19 được triển khai tại hệ thống y tế các cấp trên địa bàn.

Tiến sĩ Lê Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết thêm: "Hậu COVID-19 có thể xảy ra ở bất kỳ ai, nhưng không phải tất cả người nhiễm COVID-19 đều có biểu hiện về hậu COVID-19 và mức độ cũng khác nhau tùy người. Chính vì thế, với mỗi người khi bị nhiễm COVID-19 phải tuân thủ những chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ, khi điều trị khỏi thì vấn đề chăm sóc sức khỏe của bản thân, luyện tập phải tự mình cố gắng, đi khám sớm những biểu hiện hậu COVID-19 để chăm sóc từ sớm".

Hậu COVID-19 mặc dù không còn là khái niệm mới, song các nhà khoa học, chuyên gia y tế vẫn đang nỗ lực trong công tác nghiên cứu để tìm ra thêm hệ thống các triệu chứng có thể gặp phải và hướng xử lý tích cực, đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người đã từng mắc COVID-19. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra còn quá sớm để coi COVID-19 là một bệnh đặc hữu, bởi vậy, khẩu trang, khử khuẩn, khai báo y tế và các biện pháp phòng dịch vẫn cần được mỗi người dân ưu tiên thực hiện./.