Hàng loạt công trình trùm mền do nóng vội “chạy dự án”
Tại tỉnh Quảng Trị, hàng loạt công trình dân sinh được khởi công theo kiểu “chạy dự án”, làm được vài hạng mục rồi bỏ dở giữa chừng nhiều năm nay. Điều đáng nói, có công trình đang cần vốn để hoàn thiện thì lại phải tốn thêm tiền để cải tạo lại các hạng mục thi công vì không hợp lý. Sự nóng vội và dàn trải trong đầu tư xây dựng tại Quảng Trị gây lãng phí tiền của, người dân bất bình.
Dự án xây dựng cầu An Mô vượt sông Thạch Hãn nối thị trấn Ái Tử với xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, tổng mức đầu tư gần 160 tỷ đồng. Ngày khởi công dự án cuối năm 2012, nhà đầu tư cam kết đưa công trình vào sử dụng sau 24 tháng thi công. Gần 5 năm nay, dự án làm được vài hạng mục rồi dừng vì hết vốn. Con đường dẫn phía Nam cầu An Mô mới thi công một nửa đã nảy sinh bất hợp lý.
Thiếu vốn để hoàn thiện phần mố, sau 5 năm khởi công cầu An Mô chưa hoàn thành. |
Thầy giáo Trần Đức Sáng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 xã Triệu Long, huyện Triệu Phong cho biết, sau khi nền đường đổ lên cao tạo thành cái dốc dựng đứng, chắn ngang cổng trường. Nhà trường tự bỏ tiền để hạ độ đốc đường vào trường nhưng học sinh quá nhỏ, đi lại khó khăn. Đã vậy, đường thi công dang dở kéo dài, nắng bụi, mưa lầy lội, học sinh té ngã, ướt áo quần, sách vở diễn ra như cơm bữa.
“Trường phải bỏ kinh phí ra làm con đường xuống trường 2 lần rồi nhưng trời mưa lại bị hư. Mùa mưa đường sá bùn lầy khiến học sinh, giáo viên đã bị té ngã, gãy tay nhiều lần. Học sinh tù lớp 1 đến lớp 5 rất nhỏ, nếu cứ để đường đó dễ tai nạn”, Thầy giáo Trần Đức Sáng cho biết.
Đối với công trình này, UBND tỉnh Quảng Trị vừa bổ sung 2,7 tỷ đồng để cải tạo đường dẫn 2 đầu cầu An Mô, trong đó phải hạ bớt độ cao nền đường dẫn phía Nam.
Ông Nguyễn Chí Thức, Trưởng Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng Giao thông thuộc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Trị cho biết, khi dự án mới làm được vài hạng mục thì hết vốn, nợ nhà thầu hơn 10 tỷ đồng nên dừng giữa chừng.
Ông Nguyễn Chí Thức phân trần, theo thiết kế, đường dẫn phía Nam cầu An Mô kết hợp đường tránh lũ, cứu hộ cứu nạn thiên tai nhưng sau khi đổ đất nâng cao trình, người dân và chính quyền địa phương phản đối, vì lo ngại con đường trở thành đê ngăn lũ, vì vậy phải cải tạo lại.
“Ngày trước đường làm cao để làm đường cứu hộ, cứu nạn UBND huyện Triệu Phong đề nghị yêu cầu hạ thấp. Trong khi chờ vốn dự án sửa chữa để nhân dân đi lại thuận tiện đã tạm thời hạ xuống đúng cao độ thiết kế, mặt dường 6 mét, sau này khi có tiền sẽ mở tiếp ra cho đủ 11 mét”, ông Thức giải thích.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện còn nhiều dự án, công trình thi công dang dở, gây lãng phí tiền tỷ. Điển hình là 4 công trình cầu An Mô bắc qua sông Thạch Hãn; Dự án đường cứu hộ cứu nạn từ thượng lưu sông Thạch Hãn đến đập Trấm; Đường vành đai cứu hộ, cứu nạn phía Tây Triệu Phong và phía Nam huyện Cam Lộ; Kè chống xói lở chỉnh trị dòng chảy tích nước thôn Thượng Lâm ứng cứu 2 bờ sông Cam Lộ.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị thừa nhận, những năm 2009 - 2010… khi nguồn ngân sách còn dồi dào, các địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Trị đua nhau lập dự án báo cáo đầu tư, đưa vào nhóm cứu hộ cứu nạn để “chạy vốn” trái phiếu Chính phủ. Ngày đó, cụm từ “cứu hộ cứu nạn” rất dễ kêu gọi vốn đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng, do thiết kế ban đầu, tổng mức đầu tư 4 dự án trên quá lớn, lên đến 924 tỷ đồng nhưng khi thi công chỉ có 1 công trình là đường cứu hộ cứu nạn Tây Triệu Phong lọt vào nhóm sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ.
Nền đường được đắp cao, chắn ngang cổng trường tạo thành dốc dựng đứng, học sinh đi lại khó khăn. |
Các công trình khác không được bố trí vốn, tỉnh phải vay vốn nhàn rỗi của kho bạc và chắt chiu chi tiêu để có tiền trả nợ nhưng vẫn còn hơn 100 tỷ đồng nợ khối lượng thi công của các nhà thầu.
Ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định, đây là sự lãng phí trong đầu tư. “Coi đây là bài học kinh nghiệm chung trong quá trình lãnh đạo. Trước hết phải tái cơ cấu lại dự án, nếu để nguyên 4 dự án trên 900 tỷ tỉnh không thể có tiền để tiếp tục đầu tư. Đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh lại qui mô về tổng mức đầu tư, chắc chắn phải giảm hơn 50% tổng mức đầu tư so với ban đầu thì mới hoàn thiện các dự án này để phát huy tác dụng công trình”, ông Hùng nói.
Hàng loạt dự án tiền tỷ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xây dựng dang dở, bỏ bê giữa chừng nhiều năm nay. Nhiều hạng mục công trình xuống cấp, hư hỏng biết bao giờ mới tiếp tục triển khai./.