Hà Nội: Hơn 1.600 ca tay chân miệng, nhiều ca biến chứng nặng
ThS.BS Trần Thị Thu Hương, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, từ đầu năm đến nay khoa tiếp nhận 770 ca tay chân miệng. So với cùng kỳ năm 2017, số trẻ nhập viện do tay chân miệng tăng gấp 4. Thời điểm hiện tại, trong khoa cũng đang điều trị nội trú cho 12 trẻ.
Đáng nói, số bệnh nhân có biến chứng nặng vào tim, phổi, não, riêng biến chứng viêm não chiếm 15-20%, trong khi mọi năm tỉ lệ này dưới 5%. Các ca có biến chứng kết quả xét nghiệm phần lớn nhiễm chủng EV71 nguy hiểm.
Tại Hà Nội, theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm đến nay trên địa bàn là hơn 1.600 ca, so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng gần gấp đôi.
Tuy nhiên số ca mắc không tăng đột biến do số ca mắc trung bình trong nhiều năm trở lại đây đều dao động từ 2.000 – 4.000 ca. Trong đó, mức 4.000 ca là đỉnh dịch năm 2011. Hiện tại, trung bình mỗi tuần có thêm 30-50 ca mắc mới.
Trong cả nước, theo thống kê của Bộ Y tế, trong 9 tháng đầu năm 2018 ghi nhận 53.529 trường hợp mắc tay chân miệng (TCM) tại 63 tỉnh, thành phổ, trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện và đã có 06 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Bộ Y tế cho biết, so với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 25,3% số trường hợp nhập viện giảm 20,1%. Tuy nhiên, một số tỉnh thành ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh chóng trong các tuần gần đây như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Hà Nội.
Tại TP Hồ Chí Minh, hệ thống giám sát của Viện Pasteur TP.HCM cho thấy trong 2 tháng qua, tỷ lệ vi rút EV71 chiếm 25% số mẫu xét nghiệm bệnh tay chân miệng, trong đó tỉ lệ này trong 6 tháng đầu năm là dưới 1%. Sự gia tăng đột biến này cũng được ghi nhận trong vụ dịch năm 2011 (từ 32% trong 6 tháng đầu năm lên 56% từ tháng 7 đến tháng 9).
Đánh giá về các trường hợp tử vong tay chân miệng, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Paster TP Hồ Chí Minh, cùng kỳ năm 2015-2017 chỉ ghi nhận 0-4 trường hợp tử vong thì năm nay đã ghi nhận 6 trường hợp tử vong.
"Đa số các bệnh nhân TCM tử vong trong năm nay không đến ngay cơ sở y tế khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh mà tự điều trị tại nhà (khám phòng khám tư nhân hoặc tự mua thuốc uống), khi trẻ có dấu hiệu chuyển bệnh nặng mới đưa đến các bệnh viện. Kinh nghiệm từ vụ dịch năm 2011 cũng cho thấy 61% trường hợp tử vong là tự điều trị tại nhà", PGS Lân nói.
Do đó, chuyên gia này cảnh báo người dân không nên chủ quan trước bệnh TCM. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh như sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông, các phụ huynh cần liên lạc với cơ sở y tế để được tư vấn và xử lý kịp thời. Cần đưa trẻ đi khám ngay nếu trẻ sốt cao không hạ, ói nhiều hay tay chân lạnh, run tay run chân, thở mạnh, trẻ có hiện tượng giật mình trên 2 lần trong vòng 30 phút thì cần đưa trẻ khám ngay.
Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu bệnh TCM. Người dân cần phòng bệnh bằng ý thức vệ sinh, ăn chín uống sôi, thường xuyên rửa tay xà phòng, cọ rửa đồ chơi của trẻ.