Hà Nội đối thoại với 400 doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn
Sáng nay (28/11), UBND TP Hà Nội phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức “Hội nghị gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp” để lắng nghe ý kiến phản án của doanh nghiệp, nắm bắt và giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải; Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, các Phó Chủ tịch UBND Thành phố; Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cùng hơn 400 đại biểu đại diện cho doanh nghiệp đã đến dự hội nghị.
Điểm khác của hội nghị lần này so với trước đây là TP. Hà Nội đối thoại với những doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm khẳng định quyết tâm của các cấp lãnh đạo TP. Hà Nội và VCCI về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Các giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải nêu rõ: Mục đích hội nghị là cùng chia sẻ đánh giá hoạt động doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội và phạm vi cả nước, chia sẻ xu thế hội nhập; đồng thời chỉ ra khó khăn thách thức với phát triển doanh nghiệp và hội nhập, trên cơ sở đó đưa ra giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển mạnh mẽ hơn đóng góp vào sự phát triển Thủ đô và cả nước.
Hà Nội mong muốn lắng nghe ý kiến phản ánh khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh trên địa bàn thành phố những ý kiến phản ánh, góp ý phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành, công tác phục vụ doanh nghiệp của các cấp chính quyền Thành phố theo hướng thiết thực, hiệu quả.Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải phát biểu
Cùng với cả nước, năm 2016 là năm chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc về doanh nghiệp khởi nghiệp và thu hút đầu tư của Thủ đô Hà Nội với gần 23.000 doanh nghiệp thành lập mới, thu hút vốn đầu tư xã hội đạt trên 423.000 tỷ đồng, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Hà Nội dự kiến cao nhất trong 6 năm qua.
Hoạt động của DN vẫn còn có những khó khăn
Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho rằng, kết quả này ghi nhận niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư với môi trường kinh doanh của Thành phố, đồng thời cũng là tín hiệu lạc quan đối với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bí thư Thành uỷ cũng thừa nhận hoạt động của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố vẫn còn có những khó khăn như: việc tiếp cận vốn, đất đai, thị trường tiêu thụ, ứng dụng khoa học công nghệ...; mức tăng trưởng vừa qua của Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng vẫn chủ yếu dựa vào chiều rộng, chưa có chiều sâu.
Chủ trương, chính sách của Thành phố chưa thực sự đồng bộ, chưa tạo được động lực cho phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh, chưa đảm bảo được cho doanh nghiệp phát triển thuận lợi trong điều kiện kinh tế thị trường. Kết quả xếp loại chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh các năm qua của Hà Nội đã khẳng định rất rõ điều này, trong 11 tháng năm 2016 đã có trên 13 nghìndoanh nghiệp tạm ngừng, nghỉ hoạt động.
Ngoài việc phản ánh khó khăn, vướng mắc, các doanh nghiệp với vai trò là động lực phát triển, tăng cường liên kết và hỗ trợ nhau, tạo sức mạnh cộng hưởng, đóng góp các ý tưởng, những kiến nghị đề xuất cho Thành phố để hiện thực hoá cam kết của Hà Nội trước Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp “Tiên phong về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh”.Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp tham dự buổi đối thoại đại diện cho khoảng 21 vạn doanh nghiệp của Hà Nội phản ánh thẳng thắn, cởi mở, chân thực các khó khăn, vướng mắc với tinh thần tích cực, xây dựng, đúng pháp luật. Đặc biệt, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định của nhà nước, của Thành phố.
Đẩy lùi những hiện tượng sách nhiễu doanh nhân, doanh nghiệp
Bên cạnh đó, Bí thư Hoàng Trung Hải đề nghị UBND Thành phố, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp thu và trả lời trực tiếp, thẳng thắn, trách nhiệm những kiến nghị của doanh nghiệp; nắm vững các quy định của pháp luật, đặt mình vào vị trí của nhà quản lý doanh nghiệp để có sự hiểu biết sâu sắc, chia sẻ khó khăn và giải quyết giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở; các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp còn chưa được trả lời trực tiếp tại Hội nghị, Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành tiếp thu và có văn bản trả lời, thông báo đến doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất.
Các cấp, các ngành, các địa phương của Thành phố phải tiếp tục thực hiện quyết liệt việc cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính. Việc ban hành các văn bản, chính sách liên quan đến doanh nghiệp phải thực hiện theo hướng tạo điều kiện thông thoáng nhất, gần với thực tế, cắt giảm tối đa các thủ tục không cần thiết, bảo đảm công khai, minh bạch trong việc thực thi pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Xây dựng đạo đức công vụ trong cán bộ, công chức; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ đối với các sở, ngành và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ để ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà cho doanh nhân, doanh nghiệp. Khuyến khích các doanh nhân đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, hành vi sách nhiễu của đội ngũ cán bộ, công chức.
Khơi nguồn, đổi mới kinh doanh, tạo những cơ chế riêng, môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa; công khai, minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, các chính sách hỗ trợ cho doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội yêu cầu, sau buổi đối thoại, đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp, các đề xuất, kiến nghị của đại diện các doanh nghiệp để giải quyết nhanh chóng, dứt điểm và phải thông tin lại cho doanh nghiệp./.