GS.TSKH Đặng Vũ Minh: Lịch sử, Giáo dục công dân được đặt đúng vị trí
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu nội dung góp ý của GS.TSKH Đặng Vũ Minh cho dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
GS.TSKH Đặng Vũ Minh |
Khoa học trong khâu chuẩn bị
Trước hết, cần phải nhấn mạnh rằng xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là một việc khó, đòi hỏi phải biết kế thừa và đổi mới. Chính vì vậy, tôi được biết Ban soạn thảo đã nghiên cứu rất kỹ kinh nghiệm xây dựng chương trình giáo dục phổ thông của nhiều nước trên thế giới và căn cứ vào đó để lựa chọn những kinh nghiệm có thể áp dụng vào hoàn cảnh Việt Nam.
Ban soạn thảo cũng đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các thầy, cô giáo, trong số đó có những người có thâm niên hàng chục năm đứng trên bục giảng, rất giàu kinh nghiệm giảng dạy cũng như quản lý giáo dục và quan trọng nhất, đó là những người hết sức tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của nước ta.
Trong quá trình xây dựng chương trình, Ban soạn thảo cũng đã dựa vào kết quả thăm dò ý kiến của các em học sinh đủ mọi lứa tuổi, trên nhiều vùng, miền khác nhau để lắng nghe chia sẻ của các em về chương trình hiện tại, về những mong muốn của các em đối với chương trình mới.
Tôi cho rằng đây là 3 cơ sở khoa học hết sức quan trọng trong quá trình chuẩn bị xây dựng chương trình.
Tán thành hệ thống các môn học tự chọn bắt buộc
Sau khi đọc dự thảo, tôi có ba điều tâm đắc.
Thứ nhất, hai môn học Lịch sử và Giáo dục công dân đã được đánh giá đúng vị trí, vai trò trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Theo tôi, đây là hai môn học hết sức quan trọng có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành đạo đức cũng như lòng yêu nước của các em học sinh. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo được đặt xuyên suốt từ tiểu học đến hết lớp 10 rất có ý nghĩa đối với hai môn học này.
Tôi còn nhớ mùa đông năm 1956 khi tôi còn đi học, thầy giáo dẫn học sinh lớp tôi đi ngoại khóa - lúc bấy giờ chưa gọi là hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Đến trước cửa Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ), thầy chỉ vào chấn song hàng rào sắt còn lỗ chỗ vết đạn và kể cho chúng tôi về cuộc chiến đấu bảo vệ Bắc Bộ phủ tháng 12 năm 1946.
Cũng trong chuyến đi đó, chúng tôi gặp một đám tang. Thầy giáo dặn chúng tôi khi gặp đám tang không được làm ồn ào, ai đang đội mũ thì phải ngả mũ xuống. Cho đến bây giờ, sau hơn sáu chục năm, tôi vẫn còn nhớ như in bài học Lịch sử và bài học Giáo dục công dân mà thày đã dạy cho chúng tôi trong chuyến đi ngoại khóa đó.
Thứ hai, hai môn Ngoại ngữ và Tin học được đặt biệt coi trọng và có vị trí xứng tầm trong dự thảo chương trình phổ thông tổng thể, theo đó môn ngoại ngữ được học từ cấp tiểu học và cho phép các em tự chọn học ngoại ngữ thứ hai.
Từ kinh nghiệm bản thân tôi nhận thấy, cái gì học từ khi còn bé thì nhớ rất lâu, nhất là ngoại ngữ. Tôi học tiếng Trung 6 năm, từ năm 10 tuổi. Bẵng đi một thời gian, khi gần 50 tuổi do yêu cầu của công việc, tôi mới học lại. Tôi thầm cảm ơn thầy giáo ngay từ trường phổ thông đã kiên trì dạy cho những kiến thức hết sức cơ bản, từ cách phát âm đến cách viết chữ mà nhiều năm sau nhắc lại là nhớ ngay.
Thứ ba, tôi rất tán thành việc hình thành hệ thống các môn học tự chọn bắt buộc, giúp học sinh sớm định hướng nghề nghiệp tùy theo năng khiếu và sở thích của mình. Học môn gì thích thì học sinh tiếp thu rất nhanh, ngược lại môn gì không thích thì… chỉ mong sớm hết giờ học.
Cần đào tạo ngay chuyên môn, kỹ năng sư phạm cho giáo viên
Tuy nhiên, sau khi đọc dự thảo chương trình phổ thông tổng thể, tôi cũng có đôi điều băn khoăn, chủ yếu liên quan đến việc thực hiện chương trình này.
Trước hết là về điều kiện trường lớp. Đúng là để đáp ứng được yêu cầu giáo dục toàn diện, chương trình ở cấp tiểu học, trung học cơ sở hơi nặng nên cần bố trí để học sinh học 2 buổi/ngày.
Nhưng điều làm tôi băn khoăn là không biết trường lớp sẽ như thế nào, liệu có đủ hay không, đặc biệt là ở những vùng khó khăn? Rất mong ngành giáo dục và các địa phương sẽ quan tâm đúng mức tới điều kiện cơ sở vật chất để tạo sự công bằng trong giáo dục ở tất cả mọi vùng.
Tiếp đó là thiết bị dạy học. Hầu hết các môn học trong dự thảo đều cần tổ chức thực hành, thực nghiệm đặc biệt là các môn học định hướng nghề nghiệp. Liệu chúng ta có khả năng đáp ứng đầy đủ phòng thí nghiệm, trang thiết bị phục vụ tốt nhất quá trình học tập theo hướng thực hành, thực nghiệm của các em hay không? Ngay trong việc dạy bơi cho các em học sinh, liệu trường nào cũng có được chỗ tập bơi an toàn cho các em học sinh chưa?
Cuối cùng là đội ngũ giáo viên. Đây chính là yếu tố quyết định nhất. Để thực hiện chương trình, bên cạnh những giáo viên dạy Toán, dạy Ngữ văn, dạy Tin học giỏi, rất cần những giáo viên dạy ngoại ngữ, âm nhạc, thể dục… giỏi.
Ngay từ bây giờ, cần quan tâm đào tạo cả về chuyên môn cũng như kỹ năng sư phạm cho đội ngũ giáo viên tất cả các môn học đã được đề ra trong chương trình.
Đặt giáo dục đạo đức lên hàng đầu
Tôi rất đồng tình với việc dự thảo chương trình đã quan tâm giáo dục cả phẩm chất và năng lực cho học sinh, trong đó giáo dục phẩm chất cần phải được đặt lên hàng đầu. Tổ tiên ta xưa đã có câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Người có đức sẽ chịu khó học hành, biết lập thân và tiến lên bằng trí tuệ và sức lực của chính mình.
Tôi cho rằng, với chương trình phổ thông tổng thể này, nếu thực hiện một cách đầy đủ sẽ đưa đến chất lượng giáo dục tốt hơn.
GS.TSKH Đặng Vũ Minh
Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam