Giúp trẻ tự kỷ hòa nhập với cộng đồng
Chị Hồng Yến đã chăm sóc con gái bị tự kỷ suốt 11 năm nay, chị đã từ bỏ công việc ổn định của mình để chăm sóc con. |
Chị Hồng Yến đã chăm sóc con gái bị tự kỷ suốt 11 năm nay, chị đã từ bỏ công việc ổn định của mình để chăm sóc con với liên tục những tháng ngày bám trụ bệnh viện, các trung tâm dạy trẻ tự kỷ. Người mẹ cũng không quản khó khăn tham gia các lớp học về kỹ năng chăm sóc trẻ tự kỷ trong và ngoài nước. Năm 2022, Trung tâm Phát triển hỗ trợ giáo dục hòa nhập Yến Linh thành lập, được lấy tên của chị Yến và cô con gái nhỏ.
Chị Trịnh Thị Hồng Yến, phường Đồng Bẩm, thành phố Thái Nguyên chia sẻ: "Chúng tôi đã trải qua một hành trình khá dài với nhiều đau khổ và nước mắt, có những lần đưa con về Hà Nội để học, đi đường xa vất vả nhưng con không hợp tác và khóc. Tôi rất xót xa và mong muốn tìm mọi cách để cải thiện cho con, chỉ cần con có tiến bộ nhỏ thì mẹ đã thấy rất hạnh phúc".
Việc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ, trẻ tự kỷ là một hành trình gian nan, đòi hỏi tình yêu thương và sự kiên nhẫn của cả gia đình. |
Trung tâm của chị Yến hiện có 20 học sinh theo học, 20 em là 20 câu chuyện về những hành trình đầy nỗ lực và nước mắt của các bố mẹ với mong muốn con sớm trưởng thành và có thể tự lập. Dù hàng năm trời mới có thể gieo vào đầu trẻ một con chữ hay làm một phép cộng đơn giản, nhưng chứng kiến sự lớn lên, tiến bộ từng ngày của trẻ là niềm hạnh phúc khó đong đếm của cô giáo và phụ huynh. Từ khi biết con bị tự kỷ cũng là lúc gia đình chị Đỗ Thị Linh xác định bước vào cuộc chiến mới kéo dài đầy gian nan, thử thách.
Chị Đỗ Thị Linh, phường Đồng Bẩm, thành phố Thái Nguyên cho hay: "Khi gọi con nhưng con không quay lại, không trả lời nên 2 vợ chồng rất buồn. Đưa con đi khám ở nhiều nơi thì cho kết quả con bị tự kỷ kèm theo tăng động. Gia đình đã tìm trung tâm để cho con theo học và tìm được Trung tâm của chị Yến. Sau thời gian học con đã hiểu biết hơn".
Việc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ, trẻ tự kỷ là một hành trình gian nan, đòi hỏi tình yêu thương và sự kiên nhẫn của cả gia đình. Thật không dễ dàng để chấp nhận sự thật việc con, cháu mình bị tự kỷ. Thế nhưng việc sớm chấp nhận để tìm ra phương pháp giáo dục tốt nhất là điều rất cần thiết. Mặc dù, chứng tự kỷ chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn, nhưng nếu phát hiện và can thiệp sớm sẽ tạo điều kiện giúp trẻ hòa nhập tốt hơn và không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội./.