Tin 24h ngày 1/12/2024
Về nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu tổng kết Nghị quyết 18, theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng, Bộ Chính trị xác định việc tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tỉnh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị.
Các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", "Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở; xác định những nội dung, công việc ưu tiên và phối hợp nhịp nhàng trong triển khai thực hiện, quyết tâm hoàn thành việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo đúng mục tiêu, yêu cầu và tiến độ đề ra.
Việc tổng kết phải tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học, cầu thị, cụ thể, sâu sắc, khẩn trương; đánh giá nghiêm túc, toàn diện về tình hình và kết quả đạt được, xác định rõ những yếu kém, bất cập, nguyên nhân; đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông.
Thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chỉnh, khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực; các cơ quan, tổ chức trước đây đã sắp xếp bước đầu cũng phải rà soát đề xuất lại; kiên quyết xoá bỏ các tổ chức trung gian.
Cải cách tổ chức bộ máy phải gắn với quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương về đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, chống lãng phí; chuyển đổi số quốc gia, xã hội hoá các dịch vụ công..., gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.
Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân.
Đề cập đến một số nội dung gợi ý, định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nhấn mạnh, về các vấn đề chung: Nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của các ban cán sự đảng, đảng đoàn trong các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Tư pháp, các bộ, các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng lập các đảng bộ.
Nghiên cứu, đề xuất giải thể, sáp nhập, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng giảm đầu mối, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; giảm tầng nấc trung gian.
Nghiên cứu tổ chức lại hoạt động của các báo, tạp chí, truyền hình, cổng thông tin điện tử... của các ban đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Tại Hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đã báo cáo các nội dung cụ thể trong sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đối với các cấp uỷ, tổ chức đảng; đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; đối với các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội; đối với MTTQVN, các tổ chức chính trị-xã hội và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ...
* Sẵn sàng triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ được đề xuất đầu tư theo hình thức đầu tư công bằng cả vốn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn vay.
Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến sẽ tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, chính sách đặc thù nêu trong Nghị quyết của Quốc hội, nhất là các chính sách liên quan đến huy động nguồn lực đầu tư, rút ngắn tiến độ.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, ngay sau khi dự án được thông qua chủ trương đầu tư, sẽ lựa chọn nhà thầu tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi. Phối hợp cùng Bộ Tài chính và các bộ ban ngành liên quan để rà soát nguồn vốn đầu tư, đánh giá tác động về tài chính, kinh tế - xã hội.
Ông Chu Văn Tuân - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải cho hay: "Đến năm 2027, dự kiến chúng ta khởi công thì quy mô kinh tế của chúng ta đạt 560 tỷ USD. Với cái quy mô tiềm lực nền kinh tế của chúng ta như thế thì hoàn toàn có thể đáp ứng được".
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ được đề xuất đầu tư theo hình thức đầu tư công bằng cả vốn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn vay. Đối với việc bố trí vốn qua các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng sẽ được xác định với từng phần dự án
Ông Trần Thiện Cảnh - Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho hay: "Phần hạ tầng mà chúng ta đang dự kiến là sử dụng nguồn đầu tư công và phần phương tiện, thiết bị thì sẽ sử dụng vốn vay và sau đấy sẽ giao cho Tổng công ty đường sắt Việt Nam là đơn vị kinh doanh và trả nợ cái vốn vay đó".
Ông Nguyễn Danh Huy - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết: "Trong năm 2025 cho dự án chúng tôi đã tính toán khoảng 538 tỷ, và toàn bộ nguồn vốn này thì Bộ Giao thông Vận tải đã cân đối trong số vốn đầu tư công trung hạn đã được phân bổ cho Bộ Giao thông Vận tải từ những dự án giảm do quyết toán giá trị hoàn thành. Đối với giai đoạn 2026 – 2030 chúng tôi cũng đã xây dựng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm cơ sở tổng hợp trình Chính phủ và trình Quốc hội".
Đánh giá của Bộ Tài chính cũng cho thấy, đến năm 2030 dự án hoàn toàn đáp ứng được 3 tiêu chí về an toàn nợ công, nợ Chính phủ và nợ quốc gia đều thấp hơn mức cho phép từ 5 đến 15%. Vì vậy, các cơ chế đặc thù sẽ được nhanh chóng xây dựng đáng chú ý như sẽ được phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư hàng năm.
Bà Lê Đào An Xuân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho rằng: "Cách điều hành mạnh mẽ và quyết liệt như thời gian vừa qua, kinh nghiệm chỉ đạo thực hiện các dự án như cao tốc Bắc - Nam, dự án đường dây 500kV mạch 3; tôi cho rằng việc cân đối nguồn lực để đầu tư và việc hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035 là khả thi".
Ngoài các cơ chế đặc thù cần xây dựng thì sự sẵn sàng từ cấp trung ương tới từng địa phương, sự chủ động chuẩn bị tham gia của các doanh nghiệp Việt là rất cần thiết để nhanh chóng triển khai dự án đường sắt tốc độ cao.
* Từ hôm nay (1/12), chính thức tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội
Ảnh minh họa. |
Từ 1/12, tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất với sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam theo bậc quân hàm được tăng từ 1 đến 5 tuổi so với trước đây.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024.
Đáng chú ý trong Luật này là quy định về tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất (tuổi nghỉ hưu) với sĩ quan theo bậc quân hàm tăng từ 1 đến 5 tuổi so với trước đây.
Theo đó, hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm như sau:
Cấp úy: 50;
Thiếu tá: 52;
Trung tá: 54;
Thượng tá: 56;
Đại tá: 58;
Cấp tướng: 60
Khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, năng lực, sức khỏe và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 5 năm; trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan, Luật quy định, cấp quân hàm Đại tướng có số lượng không quá 3, gồm: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Thượng tướng, Đô đốc Hải quân số lượng không quá 14, gồm: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Đô đốc Hải quân (không quá 6 người); Phó Tổng Tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (mỗi chức vụ có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thượng tướng, không quá 3). Ngoài ra, còn có Giám đốc, Chính ủy Học viện Quốc phòng.
Các chức vụ, chức danh mang cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân; Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân có số lượng không quá 398 người.
Sĩ quan Quân đội nhân dân biệt phái được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thượng tướng; sĩ quan Quân đội nhân dân biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng hoặc chức vụ, chức danh tương đương có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng; sĩ quan Quân đội nhân dân biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng hoặc chức vụ, chức danh tương đương có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thiếu tướng.
Sĩ quan Quân đội nhân dân biệt phái có chức vụ, chức danh cao hơn quy định tại khoản 2 Điều này và trường hợp đặc biệt được phong, thăng quân hàm cấp Tướng do cấp có thẩm quyền quyết định.
Chính phủ quy định vị trí có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân, Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Hải quân và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp Tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại, bổ sung chức năng, nhiệm vụ nhưng không vượt quá số lượng tối đa vị trí cấp Tướng theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp Tá, cấp Úy do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
Tuổi của sĩ quan tại ngũ xét thăng quân hàm từ cấp bậc Đại tá lên Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác, trường hợp không còn đủ 3 năm công tác khi có yêu cầu do Chủ tịch nước quyết định.
Sĩ quan tại ngũ lập thành tích đặc biệt xuất sắc, được xét thăng quân hàm vượt bậc, nhưng không vượt quá cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh sĩ quan đang đảm nhiệm.
Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn quy định tại khoản này để xét thăng quân hàm sĩ quan cấp Tướng vượt bậc. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn quy định tại khoản này để xét thăng quân hàm sĩ quan cấp Tá, cấp Úy vượt bậc.
* Tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng tới 30/6/2025
Ngày 30/11/2024, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a mục 1.1 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025.
* 620.000 hộ kinh doanh được miễn thuế VAT
Chi phí kinh doanh, giá cả hàng hóa, tiền thuê mặt bằng, nhân công, điện, nước… tăng 3-5 lần so với 10 năm trước, nhưng ngưỡng doanh thu tính thuế tăng không tương xứng. |
Theo Bộ Tài chính, với mức doanh thu không chịu thuế 200 triệu đồng/năm thì số lượng hộ, cá nhân kinh doanh giảm hơn 620.000 hộ, thu thuế giảm khoảng 2.600 tỷ đồng.
Quốc hội vừa thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7 năm 2025. Theo đó, các hộ và cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 200 triệu đồng trở lên mới phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT).
Theo qui định hiện hành: hàng hóa, dịch vụ của các hộ và cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm phải nộp thuế giá trị gia tăng. Vì có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm nên hộ kinh doanh của ông Vượng mỗi tháng phải nộp 180.000 đồng tiền thuế. Nhưng theo qui định mới, từ tháng 7 năm sau, ông Vượng và các hộ kinh doanh có doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm sẽ không phải nộp thuế nữa.
"Chúng tôi cảm ơn Đảng và Nhà nước đã đi đúng hướng và đáp ứng được nguyện vọng của những người kinh doanh nhỏ. Làm sao vừa có thêm thu nhập để cải thiện đời sống vừa giúp thêm cho xã hội", ông Nguyễn Bá Vượng, phường Xuân La quận Tây Hồ, TP Hà Nội chia sẻ.
"Để chúng tôi có thêm phần thu nhập tăng phần sinh hoạt, giúp đỡ con cháu việc học hành", ông Lê Văn Nghĩa, phường Xuân La quận Tây Hồ, TP Hà Nội cho hay.
Nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế sẽ tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ có thêm nguồn lực để tái đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Điều này cũng phù hợp với thực tiễn khi thời giá đã có nhiều thay đổi nên ngưỡng doanh thu chịu thuế 100 triều đồng/năm là quá thấp.
PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan - Học viện Tài chính cho biết: "Ngưỡng này được quyết định lần đầu tiên vào năm 2013. Tính theo mức độ thay đổi GDP theo bình quân đầu người từ 2013 đến nay nó xấp xỉ khoảng 2 lần. Chúng ta quyết định ở ngưỡng 200 triệu là phù hợp và bổ sung qui định là khi chỉ số giá tiêu dùng thay đổi trên 20% thì giao quyền điều chỉnh cho Chính phủ".
Theo Bộ Tài chính, với mức doanh thu không chịu thuế là 200 triệu đồng/năm thì số lượng hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện nộp thuế sẽ giảm hơn 620.000 hộ, số thu thuế giảm khoảng 2.600 tỷ đồng và không ảnh hưởng nhiều đến tổng thu ngân sách Nhà nước.
* Quy định mới có hiệu lực từ tháng 12: Livestream bán hàng trên mạng xã hội phải xác thực bằng số định danh
Chính phủ đã ban hành Nghị định 47/2024 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, có hiệu lực từ 25/12/2024. Theo đó, chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Các đơn vị cung cấp thông tin xuyên biên giới (Facebook, Tiktok…) phải thực hiện xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam, họ sẽ phải xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
Trường hợp người dùng mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật.
Một nội dung khác cũng đáng lưu ý đối với những người dùng mạng xã hội liên quan đến việc khoá, tạm khoá tài khoản.
Đối với các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên cung cấp nội dung vi phạm pháp luật (trong 30 ngày có ít nhất 05 lần cung cấp nội dung vi phạm pháp luật hoặc trong 90 ngày có ít nhất 10 lần cung cấp nội dung vi phạm) sẽ bị yêu cầu tạm khóatừ 7 ngày đến 30 ngày, tùy thuộc vào số lần và mức độ vi phạm. Trường hợp đăng tải nội dung xâm phạm an ninh quốc gia hoặc đã bị khóa tạm thời từ 03 lần trở lên thì khoá vĩnh viễn.
* Thời tiết ngày 1/12: Bắc Bộ trời rét, sáng sớm có sương mù nhẹ
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 1/12, Bắc Bộ trời rét, sáng sớm có sương mù nhẹ. Nhiệt độ thấp nhất khoảng 14-17 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 14 độ C.
Trên biển, tại đảo Phú Quý có gió giật mạnh cấp 7. Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển Trường Sa) và vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận có mưa rào và dông. Sức gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động. Sóng biển cao 2-3 m
Vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau; khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây Trường Sa) có mưa dông. Sức gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 7-8, biển động. Sóng biển cao 2-4 m.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.