Giúp thương binh, bệnh binh vượt lên thương tật, làm giàu
“Bệ đỡ” vững chắc
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tại các tỉnh thuộc Quân khu 2, nhiều cách làm hay, hiệu quả đã được các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) triển khai mạnh mẽ, qua đó giúp CCB nói chung, cựu chiến binh là thương binh, bệnh binh nói riêng vươn lên ổn định cuộc sống và làm giàu chính đáng. Tại Lào Cai, các cấp Hội CCB đã hướng dẫn hội viên phát triển đa dạng các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…Tính đến hết năm 2016, CCB trong tỉnh đã xây dựng được 43 doanh nghiệp, 288 trang trại, 17 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác, 654 gia trại; tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động. Trong giai đoạn 2011-2016, nhằm giúp hội viên phát triển kinh tế, Hội CCB các cấp tỉnh Lào Cai đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 15.856 hội viên vay hơn 463 tỷ đồng; đồng thời xây dựng quỹ Hội được hơn 7,5 tỷ đồng, giúp các hội viên khó khăn vay vốn phát triển kinh tế không tính lãi.
Ở Vĩnh Phúc, phong trào thi đua “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” được các cấp Hội CCB triển khai tích cực, sâu rộng dưới nhiều hình thức, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Từ năm 2011 đến 2016, Hội CCB tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức 930 lớp tập huấn cho 46.500 hội viên các kiến thức về khuyến nông, khuyến lâm, kinh doanh dịch vụ; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác cho hơn 13.000 hội viên vay vốn, với tổng dư nợ hơn 308 tỷ đồng; xây dựng quỹ Hội gần 45 tỷ đồng, hỗ trợ cho 8.300 lượt hội viên nghèo với lãi suất thấp. Nhờ đó, tỷ lệ hội viên nghèo giảm từ 2,8% năm 2011 xuống còn 1,4% năm 2016, đời sống vật chất tinh thần của hội viên CCB ngày được nâng cao.
Thương binh hạng 4/4 Nguyễn Ngọc Viên, xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, mỗi năm thu nhập hơn 200 triệu đồng từ mô hình VACR. Ảnh: Hồng Sáng. |
Tại trụ sở Hội CCB tỉnh Phú Thọ, chúng tôi đã được nghe các đồng chí trong Thường vụ Hội CCB chia sẻ những thông tin thú vị xoay quanh chuyện thương, bệnh binh của tỉnh hăng say dấn thân vào “mặt trận” mới – mặt trận kinh tế. Đó còn là chuyện về những cách làm hay của Hội, nhằm giúp hội viên nói chung, hội viên là thương binh, bệnh binh nói riêng vượt khó, giảm nghèo, làm kinh tế giỏi.
Đại tá Nguyễn Tiến Phương, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Kinh tế Hội CCB tỉnh Phú Thọ cho biết, một trong những giải pháp cơ bản được Hội triển khai là rà soát, nắm chắc tình hình đời sống của hội viên, tìm ra và phân loại các nguyên nhân CCB còn nghèo, như thiếu vốn, thiếu sức lao động, thiếu cách làm, thiếu khoa học kỹ thuật hay thiếu ý chí vươn lên… để từ đó các cấp Hội có kế hoạch phù hợp nhằm giúp đỡ hội viên vươn lên trong sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống, thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Để giúp đỡ hội viên về vốn, Hội CCB các cấp của tỉnh Phú Thọ đã xây dựng quỹ Hội, cho hội viên vay không lấy lãi hoặc lãi suất thấp. Bên cạnh đó, các hội viên có điều kiện kinh tế khá hơn đã trực tiếp giúp đỡ đồng đội mình bằng cách cho vay vốn, giúp đỡ con giống, cây giống, thức ăn chăn nuôi và hướng dẫn cách làm, giúp tìm đầu ra cho sản phẩm, khi bán xong mới thanh toán hoàn vốn.
Một biện pháp khác được Hội CCB Phú Thọ vận dụng hiệu quả trong những năm qua là Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, thực hiện ủy thác vay vốn để tạo nguồn vốn cho hội viên sản xuất kinh doanh. Trong giai đoạn từ năm 2011-2016, Hội đã quản lý nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội gần 750 tỷ đồng. Hội CCB các cấp đã thường xuyên báo cáo, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các chính sách hỗ trợ về đất đai để mở trang trại, nhà xưởng, bến bãi; nhờ đó, tình trạng thiếu đất, thiếu việc làm đã dần được khắc phục.
“Giải bài toán hội viên còn thiếu kiến thức trong cách làm, Hội CCB các cấp đã phối hợp mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư dạy nghề cho hội viên. Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã tổ chức được hơn 3.700 lớp với hơn 162 nghìn lượt người tham gia”, Đại tá Nguyễn Tiến Phương chia sẻ.
Ngoài ra, xây dựng mô hình điểm và nhân rộng mô hình cũng là biện pháp hỗ trợ hiệu quả mà Hội CCB dành cho hội viên, trong đó có hội viên là thương binh, bệnh binh. Trong thời gian qua, Hội CCB tỉnh Phú Thọ đã phối hợp tổ chức xây dựng được 17 mô hình về trồng trọt, chăn nuôi ở 9 huyện, do hội viên trực tiếp tham gia thực hiện và đạt hiệu quả thiết thực. Sau đó, nhiều mô hình đã được nhân rộng, cho kết quả rất khả quan…
Người thương binh nặng lòng với cây chè
Theo giới thiệu của Hội CCB tỉnh Phú Thọ, chúng tôi tìm về xã Minh Tiến, huyện Đoan Hùng, nơi có một thương binh đang ngày ngày dành tâm huyết, sức lực cho những cây chè. Ông là Nguyễn Trung Thành, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) sản xuất, chế biến dịch vụ thương mại chè Minh Tiến.
Trong cơn mưa mùa hạ, những vạt chè trải dài theo Đồi Dộc Cọ như xanh hơn. Trong sân của gia đình anh Nguyễn Văn Lực và một số hộ dân thôn 1 (xã Minh Tiến), chè xanh đang được người phân loại, xử lý.
Với giọng nhỏ nhẹ, chậm rãi, người thương binh hạng 4/4 Nguyễn Trung Thành kể về hành trình “níu giữ” cây chè trên đất quê hương.
Thương binh hạng 4/4 Nguyễn Trung Thành trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, phân loại chè xanh với các xã viên. |
Tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc trong đội hình Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4), sau khi bị thương năm 1979, ông Nguyễn Trung Thành trở về xây dựng quê hương. Nhìn nhiều đồi chè bạt ngàn năm nào nay trơ trọi, và những đồi chè còn sót lại có lúc người dân tranh bán tranh mua, có lúc đổ bụi tre gốc chuối, ông trăn trở lắm. Nơi đây vốn là đất chè mà người dân không thể sống được bằng chè, nguyên nhân chủ yếu là do đầu ra rất bấp bênh. Từ phân tích ấy, ông tìm đến các nhà máy chè mong ký được hợp đồng, nhưng rốt cuộc vẫn không được việc do không đủ tư cách pháp nhân.
Vì thế, tháng 12-2012, ông tổ chức liên kết các hộ làm chè, xây dựng mô hình HTX sản xuất, chế biến dịch vụ thương mại chè Minh Tiến. Với hình thức tổ chức là máy móc chế biến giao xuống tận hộ xã viên; nguyên liệu sản xuất nằm tại các hộ; HTX bao tiêu đầu ra, với đối tác là một công ty chè khá lớn trên địa bàn; thuốc sâu, phân bón được công ty đầu tư trả chậm; có tổ chức các lớp đào tạo chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chế biến…nhờ đó mỗi năm HTX cung ứng cho đối tác khoảng 1.000 tấn chè tươi. Những ưu điểm có thể kể đến khi áp dụng hình thức chế biến tại hộ gia đình là tận dụng triệt để nguyên liệu chất đốt; huy động hiệu quả lao động phụ trong mỗi gia đình.
Nhờ được trang bị kỹ thuật canh tác, nên nếu trước khi HTX ra đời, năng suất chè chỉ đạt 7-8 tấn/ha, thì nay đã lên tới 15-20 tấn/ha. Hiện HTX có 18 hộ tham gia, với diện tích chè đang quản lý là 59ha. Thu nhập bình quân của xã viên đạt khoảng 5 triệu đồng/tháng. Có những hộ đã thoát nghèo nhờ trồng và chế biến chè như gia đình anh Đặng Văn Vinh.
Trước khi chia tay, người thương binh Nguyễn Trung Thành tâm sự với chúng tôi rằng, thấy được hiệu quả từ mô hình HTX nên có nhiều hộ dân muốn tham gia. Vậy nhưng, ngoài lượng chè tươi cung cấp cho công ty, vẫn có tới 300 tấn chè tươi dư thừa mỗi năm, phải đưa vào sấy làm chè khô mà chưa có đầu ra ổn định cho sản phẩm này. Ông bảo, chắc hành trình phía trước sẽ còn gian nan, nhưng sẽ không chùn bước. Nhìn vào ánh mắt đầy quyết tâm của người thương binh, và nhìn về những đồi chè xanh ngút ngàn phía xa xa, chúng tôi thêm tin, có thể hành trình còn xa, nhưng ông sẽ đi tới đích./.