gioi khoa hoc tim ra bang chung su song lau doi nhat tren trai dat
Mẫu đá này được lấy từ Apex Chert, một hệ thống đá ở phía Tây nước Australia, một trong những mỏ đá lớn nhất và được bảo quản tốt nhất trên thế giới vào năm 1982 và sớm được tìm thấy có chứa bằng chứng về cuộc sống sớm trên trái đất. (Nguồn: mirror.co.uk)

Hành trình đi tìm bằng chứng nói trên đã được các nhà khoa học mô tả trên chuyên trang của Học viện khoa học Quốc gia Mỹ ngày 18/12.

Trong quá nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm thấy 11 loại vi khuẩn trong các cấu trúc hình trụ hoặc hình con rắn được bảo quản trong mẫu đá được tìm thấy vào năm 1982 ở Australia. Trong đó, một số loài vi khuẩn đã tuyệt chủng, còn một số loại vi khuẩn khác được xác định giống vi khuẩn hiện đại.

Ông John Valley - Chủ nhiệm nghiên cứu, giáo sư thuộc trường Đại học Wisconsin-Madison khẳng định: “Đây là địa điểm đầu tiên và lâu đời nhất mà chúng ta phát hiện cả hình thái học và vết tích hóa học của sự sống.”

Ông cũng đề cập nghiên cứu của các nhà khoa học khác về những mẫu vật được cho là cơ sở chứng minh sự sống tồn tại trên Trái Đất từ 3,9 tỷ năm trước.

Ông nêu rõ không nghiên cứu nào trong số đó được tiến hành dựa trên cấu trúc rõ ràng của hóa thạch hay vết tích hóa học.

Để thu được kết quả nghiên cứu nói trên, các nhà khoa học đã dành 10 năm đầu tư phát triển kỹ thuật bóc tách các thành phần của mẫu hóa thạch thông qua công cụ được gọi là phổ kế khối lượng ion thứ cấp (SIMS).

Công cụ này cho phép các nhà khoa học tiến hành bóc tách các lớp của mẫu hóa thạch với độ tinh vi là ​một micrometer mà không gây ra bất cứ hư hại gì đối với hóa thạch.

Đến nay, giới khoa học vẫn không ngừng tìm hiểu và nghiên cứu nhằm giải đáp câu hỏi sự sống đầu tiên trên Trái Đất xuất hiện khi nào khi hành tinh của chúng ta được cho là hình thành từ 4,55 tỷ năm trước đây./.