Gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc
Chi hội hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu, xóm Thanh Trà 2, xã Sơn Cẩm, TP Thái Nguyên tập trung tập luyện các tiết mục văn nghệ cho Đêm hội trăng rằm. |
Gần đến Tết trung thu, Chi hội hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu, xóm Thanh Trà 2, xã Sơn Cẩm, TP Thái Nguyên tập trung tập luyện các tiết mục văn nghệ cho Đêm hội trăng rằm, trong đó có sự xuất hiện của nhiều thành viên trẻ tuổi. Nhiều ông bà dù tuổi đã cao, bạn trẻ với trang phục truyền thống, say sưa hát Soọng Cô.
Bà Lê Kim Chi, Chi hội hát Soọng cô xóm Thanh Trà 2, xã Sơn Cẩm, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Chi hội có 40 hội viên, sinh hoạt tập luyện 2 lần/tháng để truyền dạy cho các cháu tiếng dân tộc và hát. Các cháu rất thích học và có nhiều tiến bộ".
Việc tổ chức tập luyện, truyền dạy làn điệu dân tộc vào mỗi dịp lễ, Tết, hội làng không chỉ đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của người dân mà còn là cách để bảo tồn, trao truyền thế hệ di sản văn hóa dân tộc Sán Dìu.
Ông Diệp Hồng Phong, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc xã Sơn Cẩm cho hay: "Chủ yếu Soọng cô để giao duyên, ca ngợi tình yêu và cuộc sống, thiên nhiên; vừa tập hát vừa để nói tiếng dân tộc mình. Như vậy mới giữ được tiếng nói để truyền lại mai sau".
Những bạn trẻ dân tộc có cách làm của riêng mình để lan tỏa văn hóa dân tộc. |
Mỗi thế hệ đồng bào dân tộc có những cách riêng để bảo tồn, gìn giữ văn hóa dân tộc. Thế hệ người lớn tuổi tham gia giao lưu, sinh hoạt cộng đồng hay truyền dạy bản sắc cho thế hệ trẻ. Còn những bạn trẻ dân tộc lại có cách làm của riêng mình để lan tỏa văn hóa dân tộc mình.
Với mong muốn quảng bá những nét văn hóa dân tộc đến cộng đồng người Dao và các dân tộc khác, anh Triệu Sinh Đại, thanh niên dân tộc Dao ở xóm Mỏ Sắt, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ ở đã ghi lại những hình ảnh về cuộc sống thường ngày, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào mình, chia sẻ lên trang Youtube có tên “Văn hóa Vùng cao”. Đến nay, sau gần 5 năm, kênh Youtube của anh đã có hàng trăm video, hàng chục nghìn người theo dõi.
Anh Triệu Sinh Đại chia sẻ: "Ngày trước tôi học kèn dân tộc, sau đó quay lại và đưa lên Youtube để lưu. Các video thu hút được khá nhiều người xem, tôi đã mua thêm chiếc máy nhỏ để quay lại các nét văn hóa dân tộc".
Không chỉ những hình ảnh nét đẹp văn hóa dân tộc, anh Đại còn làm những video do anh trực tiếp dạy viết chữ, nói tiếng Dao; dạy các bài cúng của đồng bào Dao; dạy thổi kèn trong đám cưới... được đông đảo đồng bào dân tộc Dao trong và ngoài xã đón nhận, liên hệ trực tiếp với anh xin những tài liệu để học.
Ông Triệu Văn Phương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ cho biết: "Cháu Triệu Sinh Đại là nghệ nhân của đồng bào Dao, cháu đã quảng bá văn hóa của đồng bào Dao trên nền tảng mạng xã hội để lưu truyền cho các thế hệ sau".
Trước sự phát triển của kinh tế - xã hội, nhiều nét văn hóa của đồng bào thiểu số đang đứng trước nguy cơ bị mai một theo thời gian. Do vậy, có nhiều giải pháp tích cực để gắn bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Điều quan trọng hơn là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức để mỗi người dân cảm thấy tự hào, gắn bó và tiếp tục duy trì, phát triển các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng, dân tộc mình như một nhu cầu tự thân./.