Ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ mười ba, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV
Các đại biểu HĐND tỉnh làm việc tại hội trường, nghe báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ và tiến hành giải trình, chất vấn về các nội dung quan tâm.

Trong phiên thảo luận tại tổ vào chiều ngày 19/7, đã có trên 90 lượt ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu khách mời thảo luận về các nội dung được trình tại kỳ họp và các nội dung liên quan khác. Cơ bản các đại biểu đều đánh giá cao sự chuẩn bị của các cơ quan chức năng và chất lượng của các văn bản; nhiều nội dung góp ý bổ sung, chỉnh sửa văn bản đã được cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu và điều chỉnh phù hợp, đúng quy định của pháp luật.

Căn cứ báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh và các ý kiến thảo luận tại tổ, chủ tọa kỳ họp đề nghị UBND tỉnh và các thành viên Ủy ban giải trình, làm rõ 11 nội dung trên 7 nhóm lĩnh vực. Trong đó, liên quan đến Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, chủ tọa kỳ họp đề nghị lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phân tích, đánh giá khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2023 là 8,5%.

Ông Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cho cả năm, 6 tháng cuối năm chúng ta cần phải đạt 11,3%. Để đạt được mục tiêu đặc biệt cần quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp; tỷ lệ lĩnh vực công nghiệp chiếm đến 52% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trên địa bàn; triển khai hoạt động có hiệu quả của tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội".

Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: "Để đạt được tốc độ tăng trưởng trên 11% cần sự nỗ lực rất lớn, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh trong 6 tháng cuối năm cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong nước cũng như thế giới để điều chỉnh giải pháp linh hoạt. Chúng tôi cho rẳng cần phải có yếu tố mới và năng lực tăng thêm để thu hút đầu tư các dự án mới; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các biện pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Mới đây, tại hội nghị tiếp xúc đối thoại doanh nghiệp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo phải hỗ trợ tháo gỡ khó khăn một cách thực chất. Chúng tôi hy vọng với những giải pháp đó chúng ta có thể đạt được tốc độ tăng trưởng trên 11%".

Liên quan đến khả năng hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách năm 2023, lãnh đạo Sở Tài chính đã giải trình, làm rõ kết quả thu ngân sách từ nguồn thu tiền sử dụng đất 6 tháng đầu năm 2023 và từ năm 2021 đến nay; đồng thời, đưa ra giải pháp đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu này để bố trí đủ vốn cho các dự án, công trình trong danh mục đầu tư công năm 2024, danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Trong 6 tháng đầu năm 2023, thu tiền sử dụng đất đạt 34,3% so với cùng kỳ năm trước, đây là bức tranh rất khó khăn (vì những năm trước tiền đất rất sôi động và tiến độ thu rất tốt), chỉ bằng 13,7% so với dự toán của Bộ Tài chính cũng như dự toán của HĐND tỉnh giao. Để hoàn thành mục tiêu thu ngân sách năm 2023 cũng như thu tiền sử dụng đất đối với UBND các huyện, thành phố trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất, tổ chức các biện pháp hành chính theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp cố tình chây ì, chậm nộp, chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng phương án giá đất đảm bảo tiến độ trình Hội đồng giá đất của tỉnh thẩm định theo quy định, chủ động triển khai thực hiện xác định và thẩm định, phê duyệt giá đất để đấu giá cho các hộ dân theo ủy quyền của UBND tỉnh. Đối với Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên tích cực chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện thủ tục giao đất và xác định giá đất, thu tiền cho thuê đất trong khu công nghiệp để nộp vào ngân sách theo đúng quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh các tồn đọng về hồ sơ quá hạn".

Đối với nội dung này, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đấu giá tài sản công và quyền sử dụng đất, nhưng không làm tắt, làm ẩu phải đảm bảo đầy đủ trình tự, thủ tục theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

Đánh giá hiệu quả và đóng góp của 14 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, lãnh đạo Sở Công Thương đã đưa ra các giải pháp để thực hiện thu hút đầu tư và thực hiện lấp đầy các Cụm công nghiệp trên địa bàn.

Ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Về cơ chế chính sách, Sở Công thương đã báo cáo UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu, tổng hợp và sửa đổi một số nội dung trong đó có sửa đổi điều kiện về việc thành lập; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc thành lập cụm công nghiệp nhằm tạo ra nhiều việc làm, thu hút lao động và phát triển xã hội để người dân đồng thuận trong bồi thường giải phóng mặt bằng, hướng dẫn giải quyết hồ sơ thành lập, điều chỉnh gia hạn tiến độ các cụm công nghiệp nhanh gọn, theo đúng quy định và đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng đang hoạt động khẩn trương hoàn thành các hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt hệ thống thoát nước, môi trường. Đồng thời, chúng tôi sẽ đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư trong việc quảng bá, giới thiệu, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp để hoạt động sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp".

Nhấn mạnh qua tiếp xúc cử tri nhiều ý kiến phản ánh, hiện nay hệ thống cột điện trên địa bàn thành phố Thái Nguyên nói riêng và các đô thị thuộc tỉnh nói chung còn tình trạng có nhiều dây cáp của các nhà mạng viễn thông gây mất an toàn và mỹ quan đô thị. Các đại biểu đề nghị ngành điện làm rõ những giải pháp khắc phục tình trạng này.

Ông Trần Văn Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên cho biết: "Công ty Điện lực Thái Nguyên đã phối hợp với các nhà mạng viễn thông triển khai chỉnh trang bó cáp viễn thông trên địa bàn toàn tỉnh Thái Nguyên. Ở các đô thị đã chỉnh trang được 268km, thời điểm hiện tại còn 195km cáp chưa được chỉnh trang, còn tình trạng có nhiều dây cáp của các nhà mạng viễn thông gây mất mỹ quan đô thị. Để giải quyết vấn đề này, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã và đang thực hiện một số giải pháp như đã lập kế hoạch triển khai thực hiện bó gọn cáp viễn thông đến năm 2025 sẽ giải quyết dứt điểm 195km còn lại. Đề nghị UBND các huyện, thành phố chủ trì phối hợp, kiểm tra giám sát việc lắp đặt cáp viễn thông; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thanh tra, kiểm tra xử lý các trường hợp cáp viễn thông gây mất mỹ quan, mất an toàn đô thị, xử phạt đối với các trường hợp tự ý lắp đặt cáp viễn thông, vi phạm các quy định trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên".

Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: "Đối với các nhà mạng viễn thông có phản ánh việc sử dụng các cột có thu phí nên trách nhiệm đầu tiên là của Điện lực, còn quản lý nhà nước chúng tôi sẽ hướng dẫn để chỉ đạo".

Cũng trong phiên giải trình, các nội dung liên quan đến vấn đề chậm phê duyệt quyết toán đối với một số dự án; nguyên nhân, lý do một số công trình, dự án đã được HĐND tỉnh cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn nhưng đến nay vẫn tiếp tục trình HĐND tỉnh quyết định thời gian bố trí vốn; giải pháp để đảm bảo mục tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội là 44%; đề nghị bổ sung một số đối tượng khen thưởng thuộc lĩnh vực thông tin - truyền thông, việc sử dụng đất của Trạm khai thác thủy sản Hồ Núi Cốc không hiệu quả, tự ý giao đất cho các hộ gia đình và cá nhân... đã được các thành viên UBND tỉnh giải trình, làm rõ./.