Giá lợn giảm - Thương lái hay người tiêu dùng hưởng lợi?
Gần 1 tháng qua, giá lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh xuống chỉ còn 14.000 – 16.000 đồng/kg, thậm chí có nơi còn thấp hơn. Thời điểm cao nhất, người chăn nuôi cũng chỉ bán được với giá từ 26.000 – 28.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, khảo sát tại một số chợ truyền thống ở Hà Nội như chợ Trung Hòa Nhân Chính, chợ Mơ, và hệ thống siêu thị lớn Co.op Mart giá thịt lợn bán ra cho người tiêu dùng vẫn cao gấp 3 đến 4 lần so với giá thịt lợn hơi thu mua từ người chăn nuôi…
Tại nhiều siêu thị, người tiêu dùng vẫn phải mua thịt với giá cao. |
Bà Nguyễn Thị Vân và chị Trần Kiều Lan, người dân quận Cầu Giấy chia sẻ, giá thịt tại chợ vẫn không thay đổi. “Sườn thịt vẫn có giá 100.000 đồng/kg, thịt rọi vẫn 90.000 hoặc 85.000 đồng/kg”, bà Vân nói
Chị Lan cũng nêu ý kiến: “Thấy bảo ở quê lợn nuôi không bán được, trong khi ở đây giá thịt vẫn đắt không hiểu do nguyên nhân gì. Làm thế nào giá thịt giảm cho người tiêu dùng thì cũng đỡ”.
Khi hỏi ý kiến các hộ tiểu thương về giá bán thịt lợn tại chợ truyền thống, họ phân trần rằng, giá thịt lợn vẫn cao là do các khâu trung gian như vận chuyển, lò mổ… Giá bán hiện nay là đã giảm gần 20.000 đồng/kg so với trước, nhưng do nguồn thịt phải lấy qua lò mổ với giá cao nên khi bán ra giá thịt không giảm được nhiều.
Chị Nguyễn Thị Huệ, bán thịt lợn ở chợ Hôm (Hà Nội) chia sẻ: “So với giá bán ở quê thì có giảm nhưng khi đưa lợn thịt lên đến thành phố phải qua nhiều trung gian, nên khi đến tay người ăn và các nhà hàng sẽ không giảm được bao nhiêu”.
Theo Bộ NN&PTNT, những ngày qua giá thịt lợn hơi đã tăng lên và có mức tăng bình quân so với thời điểm thấp nhất khoảng 5.000 đồng/kg. Ở các siêu thị so với cách đây 10 ngày thì giá bán thịt lợn cũng đã giảm, cùng với đó nhiều doanh nghiệp cung ứng cho các siêu thị lớn như: Big C, Saigon Co.op… đã giảm giá bán từ 10% - 20%.
Để giải quyết khó khăn ngành chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, phải giải quyết tốt quan hệ cung và cầu thị trường, rà soát tổng đàn lợn, quy mô đàn có cơ cấu hợp lý.
“Trước mắt, cần kiểm soát đàn lợn nái, đồng thời nâng cao vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp đến là tổ chức liên kết mô hình theo chuỗi. Bộ NN&PTNT sẽ đề xuất Chính phủ cơ chế hỗ trợ thông qua chuỗi và theo tín hiệu của thị trường, đồng thời tích cực mở thị trường tiêu thụ sang Trung Quốc”, ông Tuấn nói./.